Công trình công nghiệp trọng điểm là chìa khóa để Việt Nam xây dựng nền công nghiệp mới xã hội chủ nghĩa. Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, sự giúp đỡ của các nước chủ yếu là đưa chuyên gia và công nhân kỹ thuật sang Việt Nam để thiết kế, thi công các công trình công nghiệp trọng điểm; giúp đỡ thiết bị toàn bộ, viện trợ nguyên vật liệu, thiết bị lẻ, vật tư.
Theo Hiệp định Kinh tế, Thương mại Việt Nam - Liên Xô giai đoạn 1961 - 1965, Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng 43 xí nghiệp và các công trình làm cơ sở công nghiệp.
Theo Hiệp định kinh tế thương mại dài hạn Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 31/01/1961, Trung Quốc cho Việt Nam vay số tiền gần 142 triệu Rúp chuyển đổi. Việt Nam dùng số tiền này thanh toán cho các thiết bị của Trung Quốc trong xây dựng và mở rộng 28 xí nghiệp thuộc ngành luyện kim, công nghiệp nhẹ và đường sắt. Tiêu biểu là Nhà máy Hóa chất Việt Trì, Cao su Sao Vàng, Phân đạm Hà Bắc, Sứ Hải Dương…
Hiệp định kinh tế thương mại dài hạn 3 năm giữa nước ta và Hungary cũng có nhiều công trình công nghiệp nước bạn giúp Việt Nam.
Để có được những kết quả hợp tác tốt đẹp trên, tại Đại hội Đảng lần thứ III, Đảng Lao động Việt Nam đã chủ trương tǎng cường sự hợp tác kinh tế với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn, có những phương thức hợp tác với những nhóm nước cụ thể: “Trong quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, chủ yếu là ta nhận sự giúp đỡ của bạn, đồng thời hết sức phát huy sự hợp tác của ta với bạn. Đối với các nước anh em khác, cần cân nhắc yêu cầu và khả nǎng của ta cũng như của bạn, bảo đảm lợi ích chính trị và kinh tế của hai bên”;
“Về hợp tác khoa học và kỹ thuật, cần tranh thủ học tập kinh nghiệm tiên tiến của Liên Xô, Trung Quốc và của các nước anh em khác, nhờ giúp đỡ trong việc điều tra, thǎm dò, thiết kế, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu giải quyết một số vấn đề kỹ thuật theo yêu cầu của điều kiện tự nhiên ở nước ta”;
“Trong việc trao đổi ngoại thương, cần bảo đảm phân phối phần lớn kim ngạch xuất nhập khẩu trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, hết sức cố gắng tǎng kim ngạch hàng nǎm với các nước anh em; cần chú trọng cung cấp những loại hàng mà các nước anh em cần với khối lượng ngày càng tǎng như apatít, crômmít, gỗ, các đặc sản nhiệt đới...”.
Nhìn chung, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong công nghiệp, công nghiệp quốc doanh phát triển với nhịp độ cao. Các ngành công nghiệp nặng như dầu khí, luyện kim, hóa chất... được xây dựng và đi vào sản xuất. Công nghiệp nhẹ và mạng lưới công nghiệp địa phương phát triển khá.
Với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cả thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ta đã xây dựng thêm 120 xí nghiệp, đưa tổng số xí nghiệp quốc doanh từ 1.012 năm 1960 lên 1.132 năm 1965, trong đó công nghiệp trung ương: 205 và công nghiệp quốc doanh địa phương: 927.
Trong thời kỳ này, đã tăng thêm 113 xí nghiệp quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại. Xây dựng xong và đưa vào sản xuất các xí nghiệp công nghiệp nặng như các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Việt Trì, Thái Nguyên, Hà Bắc, Vinh, Phân đạm Hà Bắc, Phân lân Văn Điển và Thanh Hóa, Hóa chất và thuốc trừ sâu Việt Trì.
Hoàn thành xây dựng và mở rộng nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ như Dệt 8-3, Dệt len Hải Phòng, Sắt tráng men Hải Phòng, Nhuộm in hoa Hà Đông, Giấy Việt Trì, Đường Vạn Điểm và Sông Lam, Sứ Hải Dương, Xe đạp Thống Nhất, Cao su Sao Vàng, Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Đặc biệt, đẩy mạnh tốc độ xây dựng công trình cỡ lớn - Liên hợp Gang thép Thái Nguyên, vốn được khởi công từ cuối thời kỳ trước.
Giá trị sản lượng công nghiệp tăng 89% sau 5 năm, từ 1.458 triệu đồng năm 1960 lên 2.761 triệu đồng năm 1965. Tốc độ tăng giá trị sản lượng bình quân hàng năm đạt 13,6%. Trong đó, công nghiệp nặng 19,3% và công nghiệp nhẹ 10,4%, công nghiệp quốc doanh trung ương 20,4% và công nghiệp địa phương: 8,4%.
Tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp từ 47% năm 1960 tăng lên 55% năm 1965. Cơ cấu công nghiệp cũng có sự thay đổi: công nghiệp nặng từ 33,7% lên 42% và công nghiệp nhẹ từ 66,3% giảm xuống 58%, tỷ trọng công nghiệp trung ương: 51% và công nghiệp địa phương: 49%.