1. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng
Đại dịch Covid-19 lây lan nhanh tại các nhà máy đã làm thiếu hụt lao động, gián đoạn nghiêm trọng sản xuất, gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu hàng hoá tại nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, các sự cố bất ngờ xảy ra, gồm siêu tàu container Ever Given mắc cạn, khiến kênh đào Suez tê liệu hồi tháng 4/2021 và nhiều cảng biển lớn tại Trung Quốc ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 trong tháng 6 và tháng 7/2021, đã khiến tình trạng rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Giới phân tích cảnh báo tình trạng thiếu hụt container rỗng và phương tiện chuyên chở trên toàn cầu khó có thể được giải quyết trước thời điểm giữa năm 2022. Mức giá cước vận tải biển trên nhiều tuyến hàng lớn, đặc biệt là các tuyến nối khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á đến Bờ Tây Bắc Mỹ, hiện ở mức cao nhất mọi thời đại, tăng từ 300% - 500% so với hồi đầu năm 2020.
2. Các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu lỏng
Sau nhiều lần liên tục khẳng định lạm phát chỉ là “hiện tượng nhất thời”, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vào tháng 11/2021 đã bất ngờ phát tín hiệu thu hẹp chương trình mua lại tài sản tài chính ngay từ tháng 12/2021 nhằm kiềm chế lạm phát. Đồng thời, FED dự kiến sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022, sớm hơn nhiều so với các dự báo trước đây.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu lỏng chưa từng có nhằm cân bằng giữa rủi ro lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Các chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các gói kích thích kinh tế khổng lồ của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong năm 2020 và 2021 đã giúp các thị trường tài chính, bao gồm thị trường hàng hoá bùng nổ mạnh mẽ, thiết lập nền giá mới.
Chỉ số Bloomberg Commodity Index, đo lường sự biến động của giá 23 loại hàng hoá nguyên liệu thô được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, đã tăng 27,46% trong năm 2021. Sự sụt giảm của dòng tiền rẻ cùng với lãi suất cơ bản tăng trở lại có thể làm suy yếu sức hấp dẫn của nhiều loại hợp đồng phái sinh trên thị trường hàng hoá trong thời gian tới.
3. Trung Quốc siết chặt quản lý lĩnh vực bất động sản
Sự kiện tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande bắt đầu mất khả năng chi trả nợ trái phiếu phát hành bằng đồng USD từ tháng 6/2021 đã thổi bùng lên rủi ro vỡ bong bóng bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này buộc Chính phủ Trung Quốc siết chặt sự phát triển của lĩnh vực bất động sản tại nước này. Qua đó, gây ảnh hưởng mạnh đến giá một số loại hàng hoá như thép xây dựng, quặng sắt…
So với mức giá cao nhất mọi thời đại hồi tháng 5/2021, giá quặng sắt tại Trung Quốc trong tháng 9/2021 đã “bốc hơi” hơn 60% khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng nhà ở suy yếu nghiêm trọng. Nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng của Trung Quốc vốn chiếm từ 10% đến 29% tổng nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu.
Trong tháng 12/2021, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, mở ra triển vọng nhu cầu sử dụng thép xây dựng và quặng sắt nhiều hơn trong thời gian tới.
4. Khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu
Nhiều nền kinh tế lớn tái mở cửa trong năm 2021 đã giúp nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi trở lại, kéo theo đó là đà tăng ấn tượng của dầu thô vượt mốc 80 USD/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2014. Điều này đã buộc Hoa Kỳ và một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc… xem xét sử dụng kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm hạ nhiệt đà tăng nóng của giá dầu thô.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây hồi tháng 7/2021 đã khiến giá than đá khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tăng vọt 110%.
Mặt khác, giá khí đốt tại Châu Âu đã tăng trên 800% so với hồi đầu năm 2021 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí từ Nga, nhu cầu tích trữ tăng vọt do lo ngại mùa đông khắc nghiệt và suy giảm đột ngột nguồn cung năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia Châu Âu và khu vực Đông Bắc Á, gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng cạnh tranh căng thẳng để giành các lô khí giao ngay trong các tháng mùa đông.
Giá năng lượng leo thang đã đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao, làm gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hoá, khiến nhu cầu tiêu thụ nhiều loại nguyên liệu thô suy yếu cũng như đe doạ đà phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.
5. Thời tiết cực đoan khiến giá nông sản tăng vọt
Giá hàng loạt nông sản như đường, cà phê, lúa mì, ngô, đậu tương… đã tăng nóng trong năm 2021 do tình trạng thời tiết bất lợi diễn ra tại nhiều khu vực canh tác lớn trên toàn cầu. Trong đó, hạn hán kéo dài cùng với sương giá bất tại Brazil đã đẩy giá cà phê thế giới lên mức cao nhất 7 năm qua và giá ngô chạm mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Tại Hoa Kỳ, tình trạng khô hạn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc canh tác đậu tương, ngô và lúa mì, khiến giá ngũ cốc và hạt có dầu tại nước này chạm mức cao kỷ lục kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ còn bị đình trệ hơn 1 tháng khi siêu bão Ida gây thiệt hại nặng khu cảng New Orleans hồi tháng 9/2021.
Đối với mặt hàng lúa mì, Nga – quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới đã liên tục nâng mức thuế đối với lúa mì xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khi tình trạng khô hạn diễn ra tại các vùng canh tác lúa mì chủ chốt của nước này.
Đà tăng mạnh của các loại nông sản đã khiến nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng khủng hoảng lương thực giai đoạn 2008 – 2011 có thể lặp lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tình trạng nghèo đói và mất an ninh lương thực tại nhiều quốc gia trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Hoa Kỳ thông qua gói xây dựng hạ tầng 1.200 tỷ USD
Sau nhiều tháng tranh cãi, gói xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã được thông qua trong tháng 11/2021. Đây được xem là khoản ngân sách dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Theo đó, trong vòng 8 năm tới, các khoản tiền trong gói đầu tư sẽ tập trung hiện đại hóa hệ thống giao, mạng lưới đường sắt, hệ thống nước sạch, Internet tốc độ cao, mạng lưới các điểm sạc xe điện… trên toàn Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế và tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn cho nước này.
Giá nhiều loại hàng hoá, đặc biệt là đồng, nhôm… đã có phản ứng tích cực với sự kiện này khi thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng kim loại công nghiệp của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong thời gian tới. Trong đó, kim loại đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các nguồn năng lượng xanh.
7. Trung Quốc tăng cường can thiệp vào thị trường hàng hóa
Trong bối cảnh giá cả các loại nguyên nhiên liệu thô liên tục tăng, gây sức ép lớn lên nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đe doạ đến đà phục hồi kinh tế, Trung Quốc đã gia tăng các biện pháp can thiệp vào thị trường hàng hoá nhằm kìm hãm giá một số hàng hoá quan trọng, gây ra những biến động lớn trên thị trường quốc tế.
Trong đó, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng phân bón, hạn chế xuất khẩu các loại thép, giải phóng một phần kho dự trữ chiến lược kim loại công nghiệp và dầu mỏ cũng như siết chặt quản lý thị trường giao dịch hàng hoá phái sinh tại nước này.
Thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc đã đẩy giá phân bón tăng vọt trên toàn cầu. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy chỉ số giá phân bón toàn cầu đã tăng 147% trong năm qua. Tương tự, giá thép tại nhiều nơi trên thế giới đã liên tục lập kỷ lục mới, tăng 100% - 200% so với hồi năm 2020 sau khi Trung Quốc áp thuế xuất khẩu cao lên hàng loạt mặt hàng thép nhằm điều tiết nguồn cung cho thị trường nội địa. Ngược lại, việc Trung Quốc xả bán lượng lớn các kim loại công nghiệp cơ bản như đồng, nhôm, kẽm.. đã phần nào hạ nhiệt đà tăng nóng của các mặt hàng này trong nửa cuối năm 2021.