Tại kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2018, Chính phủ đã trình Quốc hội đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập… Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN: Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp, thời điểm ngày 31/12/2017 là 73,1 nghìn tỷ đồng và đến nay xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2017).
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa thì xu hướng là giảm (thời điểm ngày 31/12/2016 ở mức 8,7%; ngày 31/12/2017 là 7,6% và ngày 30/9/2018 là 7,5%). Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,… (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).
Để xử lý những thách thức này, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã trình Quốc hội yêu cầu các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu thì phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không điều chỉnh giảm dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm thu, các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI),… thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.
Trong xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Luật về: NSNN, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,.. trong đó đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 đã có quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định cụ thể các điều kiện chi, các hành vi bị cấm; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ đến triển khai thực hiện; việc thanh tra, kiểm toán,… để vừa tạo thuận lợi trong thực hiện vừa tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; chi NSNN chặt chẽ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.
Đặc biệt, trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, những năm gần đây đã quyết liệt và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính, tài sản công. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi về NSNN tiền, tài sản bị tham nhũng, thất thoát. Nhưng nhìn trên tổng thể, đây là lĩnh vực tương đối khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài mới có thể có những chuyển biến rõ rệt.