Đây là thông tin từ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010. Năm 1945 Bộ Kinh tế Quốc gia (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà) có 4 Nha (tương tương cấp cục, vụ), trong đó có Nha Nông mục Thủy lâm.
Nha này đảm nhiệm các việc hành chính và chuyên môn về canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, ngư nghiệp, săn bắn; lập, thi hành và kiểm soát những chương trình dài hạn (ba năm, năm năm…) và thường niên về các lĩnh vực thuộc Nha quản lý; nghiên cứu và thi hành các biện pháp làm tăng sức sản xuất và chất lượng; khai thác các nguồn lợi thuộc Nha quản lý.
Đồng thời, trong các Phòng sự vụ cũng có một phòng, gọi là Phòng tư - Phòng Nông mục Thủy lâm, có nhiệm vụ: Giữ các việc khảo cứu các vấn đề đại cương thuộc phạm vi của Nha Nông mục Thủy lâm.
Đồng thời, bộ máy của Bộ Kinh tế Quốc gia còn có Sở Thống kê, với nhiệm việc thu thập các tài liệu, tính toán và trình bày số liệu thống kê, xuất bản ấn phẩm Thống kê bạ, Thống kê nguyệt san.
Đến ngày 01/01/1946, Bộ Kinh tế Quốc gia đổi tên thành Bộ Quốc dân Kinh tế (Bộ trưởng Nguyễn Tường Long).
Đến ngày 02/3/1946, Bộ Quốc dân Kinh tế được đổi tên thành Bộ Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, (Bộ trưởng Chu Bá Phượng từ tháng 3/1946 đến tháng 11/1946; Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn từ tháng 11/1946 đến tháng 3/1947; Bộ trưởng Phan Anh từ tháng 3/1947 đến tháng 5/1951). Tháng 3/1946, cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của Bộ Kinh tế được hoàn thiện, mở rộng thông qua việc sắp xếp lại. Theo đó, Nha Nông mục Thủy lâm được giải thể, chuyển nhiệm vụ này sang Bộ Canh Nông; Sở Thống kê được đổi tên thành Nha Thống kê.
Đến ngày 28/5/1948, Nha Thống kê được tái lập theo Sắc lệnh số 190/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nha Thống kê có nhiệm vụ lưu trữ số liệu về tất cả các lĩnh vực do Bộ Kinh tế quản lý. Tiếp đó, ngày 25/4/1949, Nha Thống kê được chuyển sang Văn phòng Chủ tịch Chính phủ theo Sắc lệnh số 33/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Kinh tế Quốc gia đã vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng ngay từ buổi đầu thành lập. Ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là “nhân dân đang đói… Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”.
Từ chủ trương “phải làm thế nào cho họ sống”, Bộ Quốc dân Kinh tế đã cụ thể hóa thành “Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời số 7 ngày 5 tháng 9 năm 1945”. Sắc lệnh số 7 nêu: “Từ nay việc buôn bán và chuyên chở thóc gạo trong toàn hạt Bắc Bộ Việt Nam được hoàn toàn tự do. Những ai tích trữ thóc gạo, mưu sự đầu cơ, nếu phương hại đến nền kinh tế, sẽ bị nghiêm phạt theo quân luật.
Hơn 1 tháng sau, cũng theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia, ngày 9/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cấm xuất khẩu thóc, gạo, ngô, đỗ, các chế phẩm thuộc về ngũ cốc. Tiếp đó, ngày 15/11/1945, Bộ Kinh tế Quốc gia ban hành Nghị định số 41-BKT khuyến khích tận dụng đất đai, trồng màu cứu đói; tổ chức sản xuất nông cụ cho phát triển nông nghiệp; phối hợp với Bộ Canh nông dùng nguồn đất công cộng tăng gia sản xuất.
Đúng kỷ niệm một năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là kỳ công của chế độ dân chủ”.
BỘ SÁCH LỊCH SỬ NGÀNH CÔNG THƯƠNG:
LỊCH SỬ CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (1945 - 2010)
Có dung lượng 852 trang in, với kết cấu 3 phần:
Phần thứ nhất: Gồm sơ đồ lịch sử hình thành Bộ Công Thương; Danh sách và hình ảnh Bộ trưởng Bộ Công Thương và các Bộ tiền nhiệm; Danh sách và hình ảnh Tổng Cục trưởng các tổng cục thuộc Chính phủ trong cơ cấu hình thành Bộ Công Thương; Danh sách và hình ảnh Lãnh đạo Bộ Công Thương hiện nay.
Phần thứ hai: Gồm 8 chương nội dung và chương Kết luận:
- Chương I. Vài nét về Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
- Chương II. Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc (1945 - 1954).
- Chương III. Công nghiệp - Thương mại miền Bắc giai đoạn khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1965).
- Chương IV. Công nghiệp - Thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975).
- Chương V. Công nghiệp - Thương mại miền Nam (1955 - 1975).
- Chương VI. Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 - 1985).
- Chương VII. Từng bước phát triển ngành Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm đầu đổi mới đất nước (1986 - 1995).
- Chương VIII. Phát triển Công nghiệp - Thương mại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1995 - 2010).
- Chương Kết luận: Nêu 5 bài học học kinh nghiệm có giá trị lịch sử trên phương diện lý luận và thực tiễn, rút ra từ hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển ngành Công Thương:
+ Bài học thứ nhất: Nắm vững chủ trương, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào phát triển Ngành.
+ Bài học thứ hai: Nắm chắc và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính của Ngành là xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế, làm nền tảng cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
+ Bài học thứ ba: Bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
+ Bài học thứ tư: Công nghiệp hóa phải hướng đến giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.
+ Bài học thứ năm: Phát triển thương mại cần tập trung vào bảo đảm các cân đối lớn, cán cân thương mại, không chỉ để trở thành trụ cột phát triển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn là phương thức bảo đảm an ninh kinh tế, chủ động ứng phó với các tình huống biến động lớn, đột xuất có thể xảy ra từ bên ngoài.
Phần thứ ba: Bao gồm số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành Công Thương giai đoạn 1945 - 2010, Tài liệu tham khảo, Mục lục.
BIÊN NIÊN SỬ CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM 2011 - 2020
Có dung lượng gần 1.600 trang in, với hơn 1.400 sự kiện, được chia làm 2 tập:
- Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020, tập 1 (2011 - 2015).
- Biên niên sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020, tập 2 (2016 - 2020).
Những sự kiện trình bày trong mỗi tập sách đều mang tính tiêu biểu trong các hoạt động, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2020. Đây là giai đoạn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa của Việt Nam, trong đó ngành Công Thương được trao sứ mệnh quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Những sự kiện được lựa chọn trong cuốn sách khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành Công Thương, thể hiện vai trò và những đóng góp của ngành Công Thương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam, đồng thời làm nổi bật tính chủ động sáng tạo của ngành Công Thương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những thời điểm, bước ngoặt của lịch sử.