Nông trường Quốc doanh Mộc Châu: Hành trình qua 60 năm

Sáng 8/4, huyện Mộc Châu, Sơn La đã long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập Nông trường quốc doanh Mộc Châu (8/4/1958 – 8/4/2018). Sự phát triển của Nông trường Mộc Châu trong suốt 60 năm qua đã làm nên t


Đại diện lãnh đạo Bộ NN & PTNT Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu, Thị trấn Nông trường Mộc Châu và hơn 500 đại biểu đại diện cho gần 3 vạn cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong thị trấn và các tỉnh đã tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm.

Tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Nông trường Mộc Châu mà tiền thân là cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, nhiều thế hệ đã phát huy truyền thống, xây dựng Mộc Châu giàu đẹp. Trong đó các DN trong ngành nông nghiệp đều đã trưởng thành và phát triển, có các sản phẩm nổi tiếng, được người tiêu dùng tin tưởng. Thứ trưởng Tám mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thương hiệu, ngày một phát triển, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xuôi về ký ức, nhà văn Chu Lai khi viết về Thảo nguyên Mộc Châu có đoạn trích rằng: Trước khi được khai phá, Thảo Nguyên Mộc Châu bạt ngàn cỏ tranh, lau lách. Năm 1957, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm trung đoàn 280, Sư đoàn 335, Đại tướng đã cưỡi ngựa vào Bản Hoa, Ba Lay, từ đây Người cắm mốc, đánh dấu quy hoạch đất sản xuất cho Trung đoàn 280.

Đến ngày 8/4/1958, Trung đoàn mở đợt công phá đầu tiên vào mặt trận sản xuất và cũng là Ngày thành lập Nông trường Mộc Châu. Thời kỳ đó, Trung đoàn có 11 đơn vị sản xuất với gần 1.700 cán bộ, chiến sỹ ở 36 tỉnh, thành trong cả nước đã được tập kết để nhận nhiệm vụ chính trị mới, vừa đấu tranh bảo vệ tổ quốc vừa xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành vùng giàu về kinh tế, mạnh về chính trị và trở thành viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc.

Từ một nông trường quốc doanh thời kỳ bao cấp đã chuyển đổi cơ chế quản lý mới, hình thành nhiều đơn vị kinh tế và đang phát triển năng động như: Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Mộc Châu; Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu; Bệnh viện Nông nghiệp Mộc Châu; Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu; Công ty cổ phần du lịch Công đoàn Mộc Châu. Trong đó, phải kể đến Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Công ty Cổ phần Vinatea Mộc Châu…, đặc biệt Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu là một trong bốn doanh nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, chế biến sữa lớn nhất Việt Nam.

Tuy chuyển đổi và chia tách thành nhiều doanh nghiệp hoạt động độc lập khác nhau nhưng tựu chung họ vẫn đoàn kết, thẫm đầm tình người, tri ân các thế hệ lãnh đạo CN - LĐ tiền bối của Nông trường trước đây đồng thời cùng chia sẻ với người dân các dân tộc đang sống và làm việc tại  Mộc Châu. Và trên hết là vì thương hiệu các sản vật được sản xuất tại Mộc Châu, đặc biệt là chè và sữa là những sản phẩm chủ lực đã và đang ưu tiên phát triển từ trước tới nay.


Thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu đã được khẳng định

Theo đại diện lãnh đạo 5 doanh nghiệp tiền thân là Nông trường Quốc doanh Mộc Châu cho biết: Bài học thành công lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp trong suốt chặng đường 6 Thập kỷ qua đó chính mô hình kinh tế hộ gia đình luôn được kế thừa và phát huy, tiếp thu sáng tạo qua các thời kỳ để phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Lợi ích doanh nghiệp phải được đặt lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích chung của tập thể, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn, đóng góp công sức trí tuệ để xây dựng nông trường, doanh nghiệp. Đồng thời áp dụng công nghệ quản trị quốc tế và không ngừng đầu tư phương thức sản xuất công nghệ hiện đại. Đó chính là sự phát triển đi lên bền vững nhất của cao nguyên Mộc Châu hôm nay.

Ông Trần Công Chiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) nhấn mạnh: Với nhiều chính sách hỗ trợ từ công ty, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn Nông trường đã tích cực mở rộng quy mô đàn, cho thu nhập 50-80 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hộ trên 100 triệu đồng/tháng. Số lượng tỉ phú chăn bò ngày càng nhiều trên nông trường. Hiện nay, 100% số trang trại hộ gia đình ở Mộc Châu Milk đều được cơ giới hóa các phương tiện sản xuất. Họ có máy vắt sữa, máy băm cỏ tươi, máy gặt cỏ, xe chở sữa tới trạm thu mua.


Ông Trần Công Chiến, Tổng giám đốc Mộc Châu Milk phát biểu tại cuộc họp báo công bố Lễ mít tinh kỷ niệm vào chiều ngày 6/4/2018

Đối với Công ty Cổ phần Chè Mộc Châu cũng đã và đang đẩy mạnh việc liên kết đầu tư cho nhân dân các dân tộc các xã trong huyện. Hiện sản lượng của đơn vị này đang cán đích 11.320 tấn búp chè tươi, chè búp khô đạt 2.690 tấn, (đạt năng suất cao nhất Việt Nam); doanh thu đạt 136 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước hơn 6 tỷ đồng, thu nhập công nhân, người lao động các hộ gia đình được ổn định. Hàng năm công ty đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Năm 2000, cá nhân Giám đốc Lê Xuân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, năm 2005, tập thể công ty được vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Nói về định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, tại Lễ mít tinh kỷ niệm, Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng đã đề nghị Đảng bộ thị trấn Nông Trường Mộc Châu và đảng bộ các doanh nghiệp tiền thân của Nông Trường tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng; bám sát tình hình thực tiễn đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế, tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch làm trọng tâm song phải đảm bảo tính bền vững; khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu, nâng cao giá trị các sản phẩm; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội; phối hợp thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu gắn với quy hoạch không gian khu du lịch Quốc gia Mộc Châu để phát triển đồng bộ, bền vững.

Cũng trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm thành lập Nông trường quốc doanh Mộc Châu, nhiều các hoạt động có ý nghĩa khác cũng diễn ra tại thị trấn nông trường Mộc Châu, như: hội thi hái chè, thi pha trà, hội thi văn nghệ, tham quan trang trại nuôi bò, du lịch trải nghiệm... Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể có nhiều thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển Nông trường Quốc doanh Mộc Châu.

Cùng xem thêm một số hình ảnh:



 Những thế hệ CBCN - LĐ hưu trí của Nông trường cùng tham dự Lễ kỷ niệm, cùng ôn lại những ký ức hào hùng về một thời oanh liệt, họ đã gắn bỏ cả tuổi thanh xuân và dành trọn cuộc đời cho mảnh đất này.


Họ vẫn nhớ như in thời khắc năm 1965, khi chăn bò phải chăn ban đêm vì  ban ngày bom Mỹ giội kín bầu trời. Trung bình mỗi người dân Mộc Châu phải hứng chịu 3 quả bom Mỹ oanh tạc. Nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nông trường.


Trước Lễ mít tinh kỷ niệm (7/4/2018), Hội thi hái chè, thi nghệ thuật pha trà, trưng bày các gian hàng sản phẩm đã thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham quan.

Thi nghệ thuật pha tra và thưởng trà
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng Lễ kỷ niệm

Thu Hoài