Ống thép Việt không bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) vừa có quyết định không áp thuế chống bán phá giá đối với ống thép các-bon (mã HS 7306) từ Việt Nam.

Ngày 18 tháng 11 năm 2016, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (Circular Welded Carbon-Quality Steel Pipe - CWP) nhập khẩu từ Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan và Việt Nam.

Theo đó, USITC xác định rằng sản phẩm ống thép cuộn cacbon bán phá giá nhập khẩu từ Oman, UAE, Pakistan đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ. Đối với hàng hóa bán phá giá nhập khẩu từ Việt Nam và hàng hóa trợ cấp từ Pakistan, USITC cho rằng lượng hàng hóa đó thỏa mãn điều kiện không đáng kể.

Căn cứ theo kết luận của USITC, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với ống thép cacbon của Việt Nam và lệnh áp thuế chống trợ cấp đối với Pakistan. Đối với sản phẩm bán phá giá nói trên nhập khẩu từ Oman, UAE và Pakistan, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế.

Bên cạnh đó, USITC cho biết thêm, theo mức độ xuất khẩu mặt hàng ống thép cacbon mấy năm gần đây, sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không vượt quá ngưỡng sản lượng không đáng kể 3%. Như vậy, sau những kiên trì theo đuổi kiện chống bán phá giá tại Mỹ thành công, ống thép của các doanh nghiệp Việt Nam đã có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Trước đó, ngày 25/10/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép cacbon nhập khẩu từ Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan và Việt Nam.

Theo kết luận này, DOC xác định biên độ bán phá giá sản phẩm trên của Việt Nam đối với các doanh nghiệp tham gia hợp tác trong quá trình điều tra là từ 0,00% - 6,27%, các doanh nghiệp không hợp tác trong quá trình điều tra là 113,18%; mức biên độ này đã có sự thay đổi so với quyết định sơ bộ DOC ban hành vào tháng 6/2016.

Theo quy định, nếu ITC xác định tồn tại thiệt hại/đe dọa thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa do hàng hóa bán phá giá/trợ cấp gây ra, lệnh áp thuế sẽ được DOC ban hành dự kiến vào ngày 12/12/2016. Còn trong trường hợp ITC xác định không tồn tại về thiệt hại, vụ việc sẽ được hủy bỏ.


Hoàng Hòa