Số liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác của 13 quốc gia thành viên khối OPEC trong tháng 1/2020 giảm còn 28,35 triệu thùng/ngày, giảm 640.000 thùng/ngày so với mức sản lượng hồi tháng 12/2019. Đây cũng là mức khai thác thấp nhất của khối OPEC kể từ năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu do các nước thành viên khối OPEC thi hành thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn đà tăng của giá dầu thô.
Trong tháng 12/2019, khối OPEC và 10 quốc gia khai thác dầu thô ngoài khối OPEC (khối OPEC+) đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu ở mức thấp. Theo khảo sát của hãng Reuters, khối OPEC đã cắt giảm 133% sản lượng khai thác so với mức cắt giảm được phân bổ theo thoả thuận. Theo tính toán của các nhà phân tích, Ả-rập Xê-út – quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC cần giữ giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng để đảm bảo duy trì ngân sách.
Tuy nhiên, việc dịch virus Corona bùng phát bất ngờ tại Trung Quốc đã thổi bay nỗ lực của khối OPEC+, đẩy giá dầu thô xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng trong tháng 1/2020. Thị trường lo ngại sự đình trệ kinh tế của Trung Quốc do dịch virus Corona sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này giảm xuống. Bên cạnh đó, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Tính chung cả tháng 1/2020, giá dầu thô Brent đã giảm gần 12% - mức giảm theo tháng cao nhất kể từ tháng 11/2018. Giá dầu thô WTI cũng giảm mạnh 15,6% trong tháng 1/2020 – mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 5/2019. Khối OPEC+ có thể sẽ nhóm hợp sớm trong tháng 2 để đưa ra giải pháp ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô.