OPEC triệu tập cuộc họp bất thường vào tháng 9/2016

Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lên kế hoạch tổ chức cuộc họp bất thường cuối tháng 9 tới tại Algeria do lo ngại giá dầu thô giảm xuống dưới 40 USD/thùng.

Với nỗ lực giành lại thị phần từ Mỹ, OPEC liên tục đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô trong 2 năm qua. Điều này đã tác động tiêu cực đến lượng dầu dự trữ toàn cầu, đẩy giá dầu giảm xuống.

Tuy nhiên, giá dầu thô đã tăng hơn 3% sau khi OPEC xác nhận sẽ tổ chức nhóm họp vào 26 - 28/9 tới, bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế tại Alderia. Chủ tịch OPEC Mohammed Bin Saleh Al-Sada cho biết, giá dầu giảm chỉ mang tính tạm thời và thị trường dầu mỏ sẽ sớm khôi phục như cũ.

Hiện tại, rất nhiều nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc vào dầu mỏ đang gặp khó khăn. Vừa qua, quốc gia có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới - Venezuela đã đề xuất lên OPEC tổ chức cuộc họp giữa các thành viên OPEC và ngoài OPEC nhằm tìm biện pháp hồi phục thị trường dầu mỏ. Venezuela hiện đang lâm vào tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu cho đời sống, thiếu hụt lương thực, lạm phát phi mã và ngân sách eo hẹp.

Kể cả Ả rập Saudi, quốc gia đứng đầu OPEC cũng đang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự, giảm chi tiêu ngân sách do nhiều nhà máy sản xuất dầu buộc phải đóng cửa vì giá dầu xuống thấp. Tuần trước, Ấn Độ cũng đã đưa hàng nghìn công nhân Ấn Độ về nước do tình trạng thất nghiệp và phải sống nghèo khổ trong các trại dành cho người di cư tại Ả rập Saudi.

Kinh tế Nga, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng từ giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Mới đây, Nga đã phải cắt giảm chi phí quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng. Bộ trưởng Năng lượng Nga - Alexander Novak cho biết, Nga khẳng định việc cắt giảm sản lượng là cần thiết khi giá dầu liên tục giảm xuống, và sẵn sàng đàm phán giải quyết vấn đề này tại cuộc họp tới với OPEC tại Algeria.

Dù vậy, theo các chuyên gia, cuộc họp tới của OPEC cũng sẽ không đạt được sự thống nhất giữa các nước như 2 cuộc họp trước đó tại Doha (Quatar) và Vienna (Áo). Nguyên nhân do các nước đề xuất cắt giảm sản lượng dầu mỏ như Venezuela, Ecuador không có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của OPEC. Trong khi đó Iran, quốc gia có ảnh hưởng lớn của OPEC vẫn luôn phản đối hạn chế sản xuất trước khi sản lượng khai thác của Iran khôi phục.


Hoàng Yến (theo nguồn Reuters và CNN)