Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Petrolimex Phạm Văn Thanh chủ trì chương trình cùng Phó Bí thư Đảng ủy - Ủy viên HĐQT – Tổng Giám đốc - Trưởng Ban triển khai Chuyển đổi số Petrolimex Đào Nam Hải, toàn thể Ban lãnh đạo Tập đoàn và gần 3000 cán bộ quản lý các cấp từ Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty, Chi nhánh, Kho và cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex.
Phụ trách và chia sẻ nội dung chuyển đổi số có Giám đốc hợp danh FPT Digital Vương Quân Ngọc cùng các thành viên trong tổ tư vấn.
Với mục tiêu trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện. Trong các năm qua, Tập đoàn đã ứng dụng tin học, số hóa vào công tác quản lý, chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh.
Để hướng đến những mục tiêu, tiếp tục duy trì vai trò, vị thể, sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong giai đoạn ngắn hạn cũng như dài hạn, Petrolimex tiếp tục thúc đẩy quá trình chuẩn bị, thực hiện Chuyển đổi số. Đây là nhu cầu cấp thiết, xuất phát từ yêu cầu nội tại của Petrolimex, đồng thời cũng là yêu cầu có tính khách quan trong bối cảnh và xu thế phát triển môi trường số chung của đất nước.
Với kế hoạch triển khai Chiến lược Chuyển đổi số, Petrolimex đã đặt ra những mục tiêu trọng tâm như: Đào tạo, phổ biến các nội dung cơ bản của Chiến lược Chuyển đổi số đến tất cả các thành phần tham gia chuẩn bị, thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số. Bao gồm cán bộ Lãnh đạo, cán bộ quản lý và điều hành, đại diện người lao động/sử dụng; Giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động nắm rõ các chủ trương, định hướng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược Chuyển đổi số; có đủ thông tin để chủ động tham gia vào quá trình chuẩn bị, thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số theo lộ trình/kế hoạch chung của Tập đoàn; Trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ, nâng cao nhận thức về các yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động để thống nhất trong công tác chuẩn bị, thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số theo đúng lộ trình/kế hoạch đã được phê duyệt.
Trong chương trình đào tạo, các chuyên gia tư vấn FPT đã trình bày từ tổng quan đến chi tiết của Chiến lược, bao gồm những nội dung chính như: Kết quả khảo sát hiện trạng và nhu cầu Chuyển đổi số của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; Đánh giá mức độ trưởng thành số của Tập đoàn; Phương pháp luận và case study tham khảo xây dựng chiến lược Chuyển đổi số; Tầm nhìn, mục tiêu, yêu cầu Chiến lược Chuyển đổi số của Tập đoàn; Các giải pháp, công nghệ, 25 sáng kiến số giúp Tập đoàn thực hiện chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 trụ cột: Quản trị doanh nghiệp, quản trị hàng hóa, quản trị khách hàng và 2 yếu tố đòn bẩy là Nền tảng công nghệ thông tin, tự động hóa, xây dựng phát triển con người số, văn hóa số Petrolimex.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Petrolimex Phạm Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban triển khai Chuyển đổi số, đối tác tư vấn FPT trong quá trình phối hợp với Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, đề nghị các đồng chí đứng đầu đơn vị đồng thời cũng là Trưởng ban chỉ đạo hoặc Trưởng ban triển khai Chuyển đổi số, Lãnh đạo, Quản lý các cấp, đại diện người lao động tập trung tham gia chương trình đào tạo, phổ biến Chiến lược Chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu: “Tất cả các thành viên tham gia vào quá trình chuẩn bị, thực hiện Chuyển đổi số phải được đào tạo, phổ biến các nội dung cơ bản của Chiến lược Chuyển đổi số, bao gồm: (1) Tầm nhìn; (2) Mục tiêu, yêu cầu; (3) Nhiệm vụ, giải pháp; (4) Lộ trình/kế hoạch thực hiện; (5) Nguồn lực thực hiện; (6) Nguyên tắc tổ chức thực hiện”.
Phó Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc, Trưởng Ban triển khai Chuyển đổi số Petrolimex Đào Nam Hải ghi nhận sự nỗ lực của các thành viên Ban chỉ đạo/Ban triển khai Chuyển đổi số đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn FPT để hoàn thành đề án tư vấn Chiến lược Chuyển đổi số. Đồng thời, mong muốn và chia sẻ một số thông điệp sau:
(1) Tính lan tỏa: Chiến lược Chuyển đổi số sẽ không chỉ dừng lại ở các cấp Lãnh đạo Tập đoàn, đơn vị mà còn được lan toả tiếp tục tới tất cả các bộ phận, cá nhân tại các đơn vị để chúng ta có thể hiểu, nhận thức như nhau đối với các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra. Đề nghị Lãnh đạo các đơn vị thành viên tiếp tục triển khai, truyền thông chiến lược Chuyển đổi số này tới các cấp tại đơn vị mình phụ trách.
(2) Tính toàn diện, đồng bộ: Chuyển đổi số phải được thực hiện, triển khai triệt để trong tất cả các khâu từ quản trị khách hàng, quản trị hàng hoá, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, quản trị sự thay đổi…hướng tới tầm nhìn Trở thành tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện.
(3) Tính đổi mới, sáng tạo: Triển khai Chuyển đổi số phải cập nhật được những cái mới, gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh, phải có tính thời đại và bắt kịp với các xu hướng mới như xanh, sạch, thông minh, tiện ích…
(4) Tính trải nghiệm: Hành trình Chuyển đổi số là một quá trình mà ở đó chúng ta liên tục cải thiện, cải tiến quy trình, công nghệ, con người để trải nghiệm chính chúng ta đồng thời tạo ra sự trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, đối tác. Thông qua việc trải nghiệm, thử nghiệm, nâng cấp thì sẽ tiếp tục tạo ra những giá trị cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh.
(5) Tính hiệu quả: Chuyển đổi số phải đạt được kết quả, tạo ra thành quả cụ thể như gia tăng doanh thu, sản lượng, năng suất lao động, gia tăng được khách hàng, thu thập được dữ liệu từ đó tạo ra được giá trị gia tăng và gia tăng nguồn vốn để tái đầu tư cho đơn vị.
Bên cạnh đó, đề nghị người đứng đầu các đơn vị thành viên đồng thời cũng là Trưởng ban chỉ đạo/ triển khai Chuyển đổi số tiếp tục chỉ đạo đơn vị mình nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tiễn tại đơn vị, quyết liệt thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số chung của Tập đoàn theo mục tiêu đặt ra.
Triển khai Nghị quyết số 93-NQ/ĐU ngày 12/11/2021 và Chương trình hành động số 401-CTr/ĐU ngày 22/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tập đoàn đã phối hợp với đơn vị thành viên và các bên có liên quan tổ chức thực hiện, đạt một số kết quả được tóm tắt như sau:
(1) Tập đoàn đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, thành lập Ban triển khai Chuyển đổi số Tập đoàn; chỉ đạo các đơn vị thành viên thành lập Ban Chỉ đạo/Ban triển khai Chuyển đổi số.
(2) Tập đoàn đã lựa chọn FPT là đơn vị tư vấn xây dựng “Chiến lược Chuyển đổi số Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lộ trình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
(3) Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với FPT, Ban chỉ đạo, Ban triển khai Chuyển đổi số Tập đoàn và các đơn vị thành viên để khảo sát hiện trạng, đánh giá mức độ trưởng thành số, xác định nhu cầu Chuyển đổi số, phân tích và lựa chọn giải pháp, đề xuất “Chiến lược Chuyển đổi số Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.