PV: Xin ông cho biết khái quát về Công ty Xăng dầu Phú Thọ trong 60 năm qua?
Ông Đào Hồng Thắng: Hơn 60 năm qua, Công ty Xăng dầu Phú Thọ đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Quá trình phát triển của Công ty đã được thể hiện qua các thời kỳ:
Thời kỳ 1956 - 1965
Đây là giai đoạn hình thành và xây dựng, toàn trạm chỉ có 50 lao động, phần lớn là cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết, bộ đội chuyển ngành, một số lao động phổ thông, một số cán bộ có trình độ sơ cấp - với 4 xe vận tải, 1 kho trung tâm tại Bến Gót sức chứa 2.000 m3; 1 cầu tàu để tiếp nhận bằng đường thủy, 1 hệ thống đường sắt từ ga Việt Trì vào kho để tiếp nhận toa P. Sản lượng xăng dầu cung ứng phục vụ cho an ninh quốc phòng, cho nhu cầu sản xuất, xây dựng và phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tăng từ 1.000 tấn vào năm đầu thành lập; 4.689 tấn vào năm 1960; 10.622 tấn vào năm 1965.
Thời kỳ 1966 - 1975:
Đây là thời kỳ chiến tranh gian khổ và quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính Tỉnh, Bộ Vật tư, ngành Xăng dầu, được sự giúp đỡ tận tình của địa phương, chỉ sau hơn 1 tháng chuẩn bị, 10 ngày thực hiện lệnh sơ tán triệt để, hàng vạn phuy xăng dầu được di chuyển và nhanh chóng trở thành hàng ngàn m3 bể chứa tại các nơi sơ tán. Trong chiến tranh ác liệt, hơn 400 tấn bom đạn đã dội xuống các kho Bến Gót, ga Phủ Đức, Núi Voi (Phù Ninh), trạm xăng dầu Yên Bái, kho trung tâm, nhà xưởng bị tàn phá, 3 công nhân hy sinh song hàng hóa vẫn được bảo đảm an toàn, hàng vạn tấn xăng dầu vẫn được tiếp nhận kịp thời, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sản xuất, đời sống nhân dân và phục vụ chiến đấu.
Thời kỳ 1976 - 1985:
Trong giai đoạn này, Tổng kho Xăng dầu Việt Trì được đổi tên là Công ty Xăng dầu khu vực Vĩnh Phú (1975 - 1980), sau đó được đổi tên là Tổng kho Xăng dầu khu vực Vĩnh Phú trực thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực 4 và được giao nhiệm vụ chính trị bảo đảm xăng dầu phục vụ đời sống văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Khó khăn chồng chất khó khăn, CBCNV Tổng kho Xăng dầu khu vực Vĩnh Phú phải tập trung sức lực để khắc phục. Với 188 lao động, 47 xe vận tải các loại, Công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1985, sản lượng bán ra của Tổng kho đạt 28.785 tấn, năng suất lao động bình quân 153,1 tấn/người/năm,
Thời kỳ đổi mới và phát triển 1986 - 2002:
Tổng kho Xăng dầu Vĩnh Phú được đổi tên là Xí nghiệp xăng dầu Vĩnh Phú trực thuộc Công ty Xăng dầu KV I (1983-1988), đến tháng 7/1988 Xí nghiệp Xăng dầu Vĩnh Phú được tách khỏi Công ty xăng dầu khu vực I về trực thuộc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam và trả lại tên cũ 10 năm trước đây “Công ty Xăng dầu Vĩnh Phú”. Sự nghiệp đổi mới của Công ty Xăng dầu Vĩnh Phú bắt đầu từ thời gian này.
PV: Thưa ông, yếu tố nào giúp Công ty luôn thực hiện tốt công tác sản xuất kinh doanh?
Ông Đào Hồng Thắng: Để thực hiện tốt các mặt quản lý, kinh doanh có hiệu quả trong cơ chế thị trường, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty luôn quan tâm chú trọng chiến lược nguồn nhân lực. Công ty xác định rõ con người là vị trí trung tâm, doanh nghiệp là phương tiện để con người phát huy tài năng. Chính vì vậy trong các giai đoạn, đặc biệt là hiện nay, Công ty đã xây dựng đội ngũ cán bộ đủ mạnh, có năng lực, có trình độ, có đạo đức, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng vì sự tồn tại và phát triển của Công ty, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ. Công ty đã tiếp nhận lao động từ các Trường Công nhân kỹ thuật Vật tư, Trường Cao đẳng thương mại, các trường đại học, cao đẳng khác để bổ sung thay thế cho CBCNV đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ và chiến lược phát triển mạng lưới bán lẻ của Công ty. Công ty luôn quan tâm tới công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý, tin học, chuyên môn nghiệp vụ. Chiến lược con người của Công ty trong thời gian qua được định hướng thành chiến lược dài hạn. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã cùng Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phụ nữ quan tâm tới các cháu thiếu niên, nhi đồng, động viên các cháu chăm ngoan học giỏi để bố mẹ yên tâm công tác.
PV: Trong cải tiến khoa học kỹ thuật, Công ty đã triển khai những giải pháp gì để ngày càng hiện đại hóa?
Ông Đào Hồng Thắng: Đầu năm 1989, Công ty tiếp nhận để hoàn thiện và hiện đại hóa kho xăng dầu Phủ Đức, có sức chứa 7.800 m3, khôi phục sử dụng lại cầu cảng, xây dựng lại Kho xăng dầu Bến Gót sức chứa 6.000 m3 để tiếp nhận xăng dầu đường thủy. Đến nay các kho xăng dầu của Công ty đã được đầu tư xây dựng một cách hoàn chỉnh, với các trang thiết bị hiện đại đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Công ty đã thực hiện chương trình hiện đại hóa 2 kho xăng dầu Phủ Đức và Việt Trì, đưa kho vào sử dụng khai thác một cách có hiệu quả, có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm trung chuyển hàng hóa cho các công ty tuyến sau phía Bắc. Nâng cao năng lực vận tải cả về số lượng và chất lượng, đầu tư trang thiết bị mới phương tiện vận tải để tăng sản lượng vận chuyển. Đến nay số lượng xe còn lại của Công ty được đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ vận tải nội bộ, phục vụ bán hàng và dịch vụ vận tải cho khách hàng trên địa bàn được phân công. Cho đến nay, việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh như: Xây dựng trụ sở nhà làm việc của Công ty, các kho xăng dầu; hoàn thiện hệ thống quản lý bằng máy vi tính cho văn phòng, các kho; đầu tư trang thiết bị cột bơm điện tử của Nhật Bản cho các cửa hàng, chương trình công nghệ thông tin đã được thực hiện, hòa nhập và bắt kịp được nhịp độ phát triển chung của ngành.
PV: Để mở rộng và phát triển thị trường, Công ty đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Đào Hồng Thắng: Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về việc mở rộng và phát triển thị trường, Công ty Xăng dầu Phú Thọ không ngừng phát triển mạng lưới bán lẻ, ưu tiên đầu tư xây dựng mới các cửa hàng trọng điểm. Từ năm 1988 trở về trước, toàn Công ty chỉ có 3 cửa hàng bán xăng dầu, đến năm 1996 đã có 28 cửa hàng, năm 2001 có 40 cửa hàng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ công ty có 53 cửa hàng bán xăng dầu và 6 cửa hàng chuyên doanh gas DMN khang trang với các trang thiết bị, cột bơm điện tử chính xác, hiện đại, phủ kín các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ. Để kinh doanh có hiệu quả cao trong cơ chế thị trường, Công ty luôn xác định và đặt chữ tín đối với khách hàng lên hàng đầu, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà, đáp ứng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất các yêu cầu của khách hàng, chất lượng hàng hóa đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Chính vì thế sản lượng xăng dầu bán ra mỗi năm một tăng, giữ vững thế chủ đạo trong kinh doanh ngành hàng.
PV: Xin ông cho biết trong công tác hoạt động an sinh xã hội, Công ty Xăng dầu Phú Thọ đã đóng góp những gì?
Ông Đào Hồng Thắng: Không chỉ giữ vai trò là doanh nghiệp lớn của tỉnh, Công ty Xăng dầu Phú Thọ còn luôn đi đầu trong thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện. Có thể nói việc tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, như: xóa đói giảm nghèo, chăm sóc, phụng dưỡng, tặng nhà đại đoàn kết cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng với các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ đã trở thành nét đẹp, nét văn hóa không thể thiếu của Công ty. Công ty đã nhận phụng dưỡng 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia đóng góp xây nhà đại đoàn kết cho mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Ngân, tặng bò cho 5 hộ nghèo ở huyện Tân Sơn, ủng hộ đồng bào lũ lụt, đóng góp cho các quỹ khuyến học… với những việc làm thiết thực; thấm đượm tình người thể hiện truyền thống “Thương người như thể thương thân” của CBCNV Công ty đã tạo được niềm tin với người dân trong tỉnh và cả nước cùng với chỉ tiêu nộp ngân sách hàng trăm tỷ mỗi năm.
Ông Đào Hồng Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Phú ThọPV: Điều gì khiến ông tâm đắc nhất đối với Công ty Xăng Dầu Phú Thọ trong những năm qua, thưa ông?
Ông Đào Hồng Thắng: Trong suốt gần 30 năm công tác trong lĩnh vực xăng dầu, điều làm tôi tâm huyết đó là Công ty Xăng dầu Phú Thọ đã tiếp nối truyền thống của các anh, các chị trong các giai đoạn trước, các thế hệ trong thời kỳ chiến tranh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi bước vào nền kinh tế thị trường, chúng tôi đã tái cấu trúc lại Công ty, tinh giảm bộ máy tổ chức gọn nhẹ phù hợp, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển các mặt hàng khác xoay quanh mặt hàng xăng dầu chính bao gồm: dầu mỡ nhờn, Gas, bảo hiểm PGCo, Ngân hàng PGBank, và sơn Petrolimex, nước giặt... Ngoài xăng dầu là thu nhập chính thì các sản phẩm phụ có thể hỗ trợ thêm 1/3 thu nhập cho CBCNV. Năm 2014, 2015 Công ty đã được rất nhiều các đơn vị trong ngành xăng dầu đến trao đổi kinh nghiệm, cách làm vì nó mang lại hiệu quả rất cao. Ví dụ như mặt hàng bảo hiểm, Công ty là một trong nhưng đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực bán bảo hiểm của Tập đoàn, năm 2015 doanh số tới 4,6 tỷ. Mặt hàng sơn mặc dù là mới nhưng cũng đạt 6,7 tỷ; Nước giặt bán được 100 nghìn lít; dầu nhờn cũng phát triển nhảy vọt từ 400 tấn lên đến 700 tấn. Đặc biệt là mặt hàng gas, trước đây chỉ đạt 600 tấn/năm, thì đến năm 2015 đã đạt 1.700 tấn. “Tôi được CBCNV đồng tâm hiệp lực nên tạo thành làn sóng bán hàng, chúng tôi đã chuyển đổi tư duy của người lao động trước đây chỉ biết bán xăng dầu, nay mọi người đã biết bán các mặt hàng khác. Ngay bản thân Giám đốc cũng phải bán hàng để làm gương cho CBCNV. Đồng thời phát động thi đua đưa lên bức tường dân chủ. Nếu làm tốt, khen thưởng kịp thời, nếu không tốt, vi phạm cũng đưa lên bức tương dân chủ”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!