Với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”, hội nghị đã nghe lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch trao đổi, thảo luận về những định hướng mới trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định du lịch không chỉ là một ngành kinh tế tổng hợp, mà còn liên quan tới xoá đói giảm nghèo, phát triển văn hoá, quảng bá hình ảnh của đất nước.
Tuy nhiên là một nước đang phát triển nên để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, cả những việc có thể nỗ lực trong một thời gian ngắn nhưng cũng có việc phải rất dài hơi.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết là yêu cầu cải thiện hạ tầng phục vụ khách du lịch từ đường sá, sân bay đến y tế, văn hoá...
Cùng với đó là nỗi lo có những lúc chúng ta phát triển nóng dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí một số nơi phải dùng nhiều nguồn lực, thời gian để khắc phục những khiếm khuyết do phát triển nóng từ ban đầu.
Có những ngọn núi đã bị phá, có những dòng sông thành dòng sông chết.
Tương tự khi phát triển du lịch cộng đồng, một số nơi, những ngày đầu, cấp tập phát động bà con nâng cấp hạ tầng nông thôn hay ngay trong nhà mình để đón du khách quốc tế.
Trong một thời gian ngắn những con đường nhỏ có những bờ dậu, bờ rào xanh tươi đã biến thành đường xi măng. Nhiều căn nhà thì có thay mái ngói bằng mái tôn, trong nhà có thêm vách nhựa.
“Chúng ta phát triển du lịch nhanh nhưng phải từng bước rất chắc chắn, có những việc chúng ta làm bây giờ tưởng là đúng nhưng về lâu dài là không đúng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Một mối lo rất trực tiếp được Phó Thủ tướng nêu lên là sự thiếu kết hợp trong phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền.
Dễ thấy nhất là câu chuyện các địa phương quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài; các sản phẩm du ở một vùng miền na ná, cạnh tranh nhau, không có sự bổ sung, hỗ trợ.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với các tỉnh Tây Bắc sự phối hợp lại càng cần thiết hơn. Số liệu thống kê cho thấy trong 5 vùng du lịch thì Tây Bắc chiếm 12% khách du lịch nhưng doanh thu chỉ chiếm 5%, thấp nhất cả nước.
Tuy nhiên, không gian phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới ở Tây Bắc còn rất lớn.
Doanh thu du lịch cộng đồng so với sản xuất điện thoại, ti vi thấp hơn nhiều nhưng sẽ giúp xoá đói giảm nghèo, bà con tiếp cận được những giá trị văn hoá bên ngoài, mang giá trị văn hoá của dân tộc mình lan toả ra.
Điều này với vùng Tây Bắc thì đặc biệt quan trọng. Nếu chú trọng du lịch cộng đồng ngay từ đầu thì gắn kết với hạ tầng, sản phẩm du lịch mới bền vững.