Phân bón Văn Điển: Nâng chất cho nông sản Thái Nguyên

Theo các chuyên gia, phân bón Văn Điển là sự lựa chọn thông thái để nâng cao chất lượng nông sản, canh tác nông nghiệp bền vững.

Phân lân nung chảy Văn Điển là loại phân lân ngoài chất dinh dưỡng chính là lân (P2O5) = 16%, còn có vôi (canxi) = 30%, magiê = 15%, silic = 24% và 7 chất vi lượng gồm kẽm, sắt, đồng, bo, mangan, molipđen, coban… Những chất dinh dưỡng trung vi lượng này chiếm đến 70%.

Do đó, phân bón Văn Điển là sự lựa chọn phù hợp để nâng cao chất lượng nông sản, canh tác nông nghiệp bền vững. Loại phân này không những giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn bổ sung cân bằng lại dinh dưỡng trong đất, làm cho đất tơi xốp, hạn chế rong rêu, phục vụ canh tác nông nghiệp hiệu quả.

che thai nguyen
Phân bón Văn Điển giúp cây chè phát triển khỏe, búp lên đều, to, mập, tăng sức chống chịu sâu bệnh

Trong nông nghiệp, các cây trồng chủ lực của Thái Nguyên là chè, lúa, ngô và các loại cây ăn quả. Thời gian qua, Phân lân Văn Điển đã đóng góp một phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển cho nền nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây.

Với cây chè, các dòng sản phẩm được bà con nông dân tin dùng gồm phân lân nung chảy Văn Điển, các sản phẩm đa yếu tố (ĐYT) NPK 16.8.4, 16:8:8 và ĐYT NPK 5:10:3 hoặc 10:7:3, giúp cho cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe, búp lên đều, to, mập, thân lá phát triển cân đối, bộ rễ khỏe mạnh đặc biệt rễ tơ - bộ rễ chủ yếu hút dinh dưỡng nuôi cây chè. Ngoài ra, sử dụng phân bón Văn Điển giúp cho cây chè tăng sức chống chịu sâu bệnh, và điều kiện ngoại cảnh bất lợi.     

Đối với cây lúa, từ ngày sử dụng phân bón Văn Điển (2008) đến nay, người trồng lúa ở Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ vụ nào cũng được mùa. Đặc biệt, Định Hoá là huyện miền núi cao của tỉnh Thái Nguyên, từ nhiều đời nay, bà con nông dân đã gắn bó mật thiết với cây lúa bao thai lùn - giống lúa đặc biệt, phụ thuộc vào ánh sáng ngày ngắn (nhóm giống lúa cảm quang).

lua bao thai
Phân bón Văn Điển giúp nâng cao năng suất và chất lượng cho cây lúa

Hiện huyện Định Hóa có hơn 1.500 ha cấy giống lúa bao thai vụ mùa. Người dân xã Quy Kỳ cho hay: “Phân bón Văn Điển đã gắn liền với lúa bao thai lùn nơi đây; nâng cao năng suất và chất lượng cho cây lúa, vụ mùa nào cùng thu được năng suất bình quân 150 - 160 kg/sào, (nếu sử dụng phân khác chỉ đạt tối đa 135 - 140 kg/sào), tỷ lệ gạo lật sau xay sát cao, chất lượng ngon, gạo trong, ít bạc bụng, thơm, dẻo, nên gạo bao thai bán chạy, được giá, nhiều lúc không có đủ gạo để bán.”

Vài năm gần đây, bà con dân tộc H'mông đã trồng ngô lai trên sườn núi cao, dốc đứng bằng phân bón Văn Điển mang lại thu nhập cao hơn hẳn các loại phân bón khác.  

trong ngo
Bà con dân tộc H'mông trồng ngô lai trên sườn núi cao rất ưa dùng Phân bón Văn Điển

Về sản xuất cây ăn quả ở tỉnh Thái Nguyên, cây na, nhãn, bưởi đang được đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn quả khác. Một số địa phương đã hình thành một số vùng trồng na, nhãn, bưởi như: Vùng na La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (huyện Võ Nhai); vùng nhãn Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), xã Quân Chu (huyện Đại Từ); vùng bưởi Tiên Hội (huyện Đại Từ), xã Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (huyện Võ Nhai).

Cùng với giống cây trồng và kỹ thuật canh tác thì phân lân nung chảy Văn Điển và các dòng sản phẩm phân đa yếu tố NPK 5:10:3, 6:11:3; 10:7:3 , 13:3:10, 13:3:13, 12:12:17, 12:7:20... đã góp phần tạo ra sản phẩm na, nhãn, bưởi đang có thị trường tiêu thụ ổn định trong tỉnh và các thị trường lân cận.

Riêng huyện Võ Nhai đã có hơn 1.400 ha cây ăn quả; trong đó diện tích cho sản phẩm trên 1.000 ha, có nhiều vùng cây ăn quả tập trung, đem lại thu nhập cao như: vùng trồng na xã La Hiên cho thu nhập từ 380 triệu đến 400 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng bưởi xã Tràng Xá với diện tích trên 350 ha cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng ổi xã Phú Thượng có giá trị thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm....

Đánh giá về kết quả sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà những năm gần đây,  Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên  cho biết: Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao như chè, lúa, rau, hoa, vùng cây ăn quả, chăn nuôi gà, thủy sản, rừng trồng gỗ lớn…

Nổi bật nhất là cây chè với diện tích trên 22,4 nghìn ha, sản lượng đạt 245 nghìn tấn, trong đó, tỷ lệ giống mới đạt gần 80%. Diện tích chè được cấp chứng chỉ VietGap, chè hữu cơ là 2,6 nghìn ha. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha chè đạt từ 370 đến 475 triệu đồng (đặc biệt, một số vùng chè đặc sản, thu nhập có thể lên tới 600 triệu đồng/ha). Chè Thái Nguyên đạt được nhiều giải cao tại các cuộc thi quốc tế đã khẳng định được vị thế là “Đệ nhất danh trà”.

Theo nhận xét của cán bộ quản lý nông nghiệp các địa phương tỉnh Thái Nguyên, hiện nay có rất nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở trong và ngoài nước sản xuất phân bón nên trên thị trường có quá nhiều chủng loại phân bón với chất lượng, giá cả và mẫu mã khác nhau. Song, xác định mục tiêu xây dựng một nền “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”, đồng nghĩa với việc giữ vững sự ổn định về chất lượng và hiệu quả sản xuất, thương hiệu phân bón Văn Điển đã luôn tỏa sáng và gắn bó, thân thiện với bà con nông dân trên vùng đất Thái Nguyên.

 

Trọng Hòa