Pháp bước lên đỉnh vinh quang: Sự khác biệt giữa lãnh đạo và đốc công

Sếp có tính cách như một nhà lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên. Còn với mẫu hình sếp là đốc công, họ thường có khuynh hướng duy trì và vận hành những gì đã được thiết lập để nó hoạt động

Năm 1798 đội quân của Napoleon đã chinh phục được Ai Cập. Có người hỏi, vì sao người Pháp có thể khuất phục được người Ai Cập khi họ có những chiến binh Mamoluk vô cùng quả cảm. Napoleon giải thích:

1 người lính Mamoluk chắc chắn thắng 1 người lính Pháp.

10 người lính Mamoluk hòa 10 người lính Pháp.

100 người lính Mamoluk chắc chắn thua 100 người lính Pháp.

Người lính Mamoluk mặc dù hết sức quả cảm, chiến thuật, kĩ thuật cá nhân rất tốt; nhưng đằng sau họ là những chỉ huy có tính cách như những đốc công, liên tục dồn ép họ lên tấn công. Những chỉ huy của quân đội Pháp là những lãnh đạo, họ đưa ra mục tiêu để người lính của họ hướng tới.

Trận Pháp - Croatia 4-2 đêm qua, tình hình chiến trận của 2 đội rất đúng với nhận xét của Napoleon. Chỉ cần nhìn vào con số thống kê của FIFA: Croatia kiểm soát bóng 61%, Pháp kiểm soát 31% cũng đủ thấy HLV và đội trưởng đội tuyển Croatia đã thúc ép các cầu thủ của họ làm việc như thế nào. Hai người hùng của Croatia là Mandzukic, Perisic dính chấn thương vì phải cày ải quá sức. Trong khi HLV đội tuyển Pháp là mẫu lãnh đạo điển hình. Ông giao vị trí cho từng cầu thủ, họ được phép sáng tạo trong vị trí ấy.

Trong quản lý kinh tế cũng tương tự, Sếp có tính cách như một nhà lãnh đạo luôn có tầm nhìn xa, mục tiêu lớn và những kế hoạch chiến lược và là người truyền cảm hứng cho nhân viên, để nhân viên biết như thế nào là tốt nhất. Thông thường, mọi người hào hứng với ý tưởng khi mẫu hình sếp là lãnh đạo. Còn với mẫu hình sếp là đốc công, họ thường có khuynh hướng duy trì và vận hành những gì đã được thiết lập để nó hoạt động trơn tru đúng kế hoạch; luôn để mắt tới nhân viên cấp dưới và duy trì sự kiểm soát thường xuyên để không nhân viên nào đi chệch kế hoạch đã định trước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Viettel đã từng chia sẻ câu chuyện “phân chia quyền lực” giữa lãnh đạo và đốc công (trưởng các ban): Ban lãnh đạo Viettel phát hiện ra ở Việt Nam khoảng cách giàu nghèo vào loại thấp trên thế giới, người nông dân vẫn có khả năng chi trả, từ đó nảy ra ý tưởng đầu tư mạnh vào khu vực nông thôn. Nhưng có làm được ý tưởng đó hay không lại phải nhờ đến các đầu lĩnh ở ban kế hoạch, ban tài chính, ban công nghệ tính toán. CEO Nguyễn Mạnh Hùng kết luận rằng, Ban lãnh đạo phải là người vạch ra ý tưởng; gây ảnh hưởng và dẫn dắt hành vi của các nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu chung của Tập đoàn; còn các đầu lĩnh (đốc công) có nhiệm vụ xác lập và điều khiển các nguồn lực để đạt được những mục tiêu đó.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Software, lại có cách “phân chia quyền lực” khác. Ông bảo, làm chuyên gia công nghệ giỏi, chưa hẳn đã đủ tiêu chuẩn lên làm đốc công, làm lãnh đạo. Vì thế, FPT Software sẵn sàng trả thu nhập cho các chuyên gia công nghệ một vài nghìn USD, để họ thực sự không cần phải làm Giám đốc mà vẫn gắn bó với Công ty.

Vũ Nam