Việc tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp. Hoạt động trong nền kinh tế thị trường ngày càng đi vào chiều sâu, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, cạnh tranh và rủi ro đi cùng doanh nghiệp, vì vậy có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp nào am hiểu và tuân thủ pháp luật, xây dựng được văn hóa kinh doanh sẽ tiến xa, còn ngược lại nguy cơ bị đào thải luôn rình rập. Am hiểu và tuân thủ pháp luật có nghĩa là chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ trong thị trường trong nước mà trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp, bất luận có quy mô và hình thức như thế nào, đều phải tuân thủ luật pháp của khu vực, quốc gia nơi họ thực hiện hoạt động kinh doanh. Trong lĩnh vực cạnh tranh, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tôn trọng các quy tắc khuyến khích và duy trì cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ngoài nghĩa vụ pháp lý, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh thông qua nhiều hình thức khác nhau. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét đồng thời các rủi ro khi vi phạm quy định về cạnh tranh cùng với lợi ích mà các doanh nghiệp đạt được khi tuân thủ luật cạnh tranh.
Rủi ro khi vi phạm pháp luật về cạnh tranh
Việc vi phạm pháp luật cạnh tranh có thể khiến cho doanh nghiệp vi phạm phải chịu các tổn thất, rủi ro ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Về khía cạnh pháp lý, mỗi hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế; cạnh tranh không lành mạnh thì tùy theo tính chất, mức độ, quy mô thực hiện hành vi vi phạm mà có thể bị: (i) xử lý kỷ luật; (ii) xử phạt vi phạm hành chính (gồm phạt cảnh cáo; phạt tiền; phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả); (iii) truy cứu trách nhiệm hình và/hoặc (iv) bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
Về khía cạnh thực tiễn kinh doanh, ngoài tổn hại về tài chính, nhân lực, vật lực, doanh nghiệp vi phạm còn có thể phải chịu các tác động phi vật chất tiềm tàng khác như mất uy tín, mất khách hàng, mất đối tác kinh doanh, bị buộc tái cơ cấu doanh nghiệp, bị giám sát về chính sách giá, phân phối, tiếp thị... khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Cụ thể hơn, khi phân loại rủi ro theo tiêu chí về tài chính, thì doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh có thể phải chịu: rủi ro tài chính và các rủi ro khác.
Các rủi ro tài chính mà doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh có thể phải chịu bao gồm: phạt tiền, bị tịch thu lợi nhuận, bị giảm doanh thu, phải bồi thường thiệt hại, chịu chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý.
Trong đó, phạt tiền là một trong các hình thức phạt chính trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với tất cả các loại hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh 2018, mà theo đó, mức phạt tiền tối đa lên tới 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia, thực hiện hành vi vi phạm.
Tổ chức, cá nhân thực hiện một số loại hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 217 Bộ luật Hình sự 2017 thì bị phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại và 3 tỷ đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quy định này còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, bao gồm phạt tiền tối đa 500 triệu đồng đối với pháp nhân thương mại và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh còn phải chịu rủi ro tài chính từ việc bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm khi bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018.
Trường hợp thực hiện hành vi thỏa thuận thông đồng đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự 2017, ngoài các hình thức phạt chính, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định khoản 4 Điều 222 của Bộ luật này.
Một hệ lụy về tài chính khác mà tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về cạnh tranh có thể phải chịu, đó là rủi ro giảm doanh thu. Rủi ro này có thể là hậu quả từ việc: (i) áp dụng các hình thức xử lý khác ngoài hình thức phạt tiền đối với vi phạm pháp luật về cạnh tranh (chẳng hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định; buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; buộc cơ cấu lại doanh nghiệp; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn...) hay (ii) giảm hoặc mất uy tín, dẫn đến giảm hoặc mất khách hàng, đối tác kinh doanh.
Ngoài các rủi ro tài chính, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn phải chịu những rủi ro khác, trong đó có những rủi ro cũng gián tiếp dẫn đến các tổn thất về tài chính, chẳng hạn rủi ro giảm hoặc mất uy tín, giảm hoặc mất khách hàng, đối tác kinh doanh, nguồn cung sản phẩm đầu vào hoặc có những rủi ro bị áp đặt các hình phạt hoặc biện pháp xử lý nghiêm khắc như phạt tù hay cấm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nhất định, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc các văn bản tương đương... được áp dụng nhằm ngăn ngừa hành vi tái phạm, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Trong thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh, đặc biệt là trong kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, ngoài các hình thức xử lý, biện pháp khắc phục hậu quả về mặt hành vi (behavioural remedies), thì cơ quan cạnh tranh còn có thể áp dụng các biện pháp xử lý về mặt cấu trúc (structural remedies) để nỗ lực đưa thị trường về trạng thái khi chưa xảy ra hành vi vi phạm.
Trong trường hợp này, ngoài các hình phạt tiền, phạt tù, các hình phạt bổ sung, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp buộc tái cơ cấu doanh nghiệp; buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018 hay thậm chí nặng hơn, có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các bản tương đương theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định tại khoản 4 Điều 217 Bộ luật Hình sự 2017.
Lợi ích của việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh
Cho dù ở bất kỳ thời điểm nào thì việc nhận thức và tuân thủ pháp luật cạnh tranh đều mang lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp, cho môi trường cạnh tranh, và cả người tiêu dùng.
Trong đó, đối với một doanh nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ, bất kể hình thức sở hữu, loại hình doanh nghiệp, thì việc xây dựng và thực hiện chính sách hoặc chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh ngay từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp ngăn ngừa các hành vi vi phạm, từ đó phòng tránh được các rủi ro, tác động tiêu cực do vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh công bằng, lành mạnh là đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực sử dụng và phân bổ các nguồn lực kinh tế với mục đích sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ một cách hiệu quả nhất thông qua các chiến lược cạnh tranh hợp pháp như tăng cường năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để đổi mới, sáng tạo ra những chủng loại hàng hóa, dịch vụ mới hoặc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Tuân thủ pháp luật cạnh tranh còn giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh; duy trì và tăng cường mức độ uy tín của doanh nghiệp, nhờ đó có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút thêm nhiều khách hàng, đối tác kinh doanh, về lâu dài giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh một cách bền vững.
Tuân thủ pháp luật cạnh tranh không đồng nghĩa với việc “miễn không vi phạm là đủ”. Khi phát hiện dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh của chủ thể khác trên thị trường, có thể gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của mình và quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, thì việc sử dụng quyền khiếu nại, cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong điều tra, xử lý hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật cạnh tranh được ví như một “bức tường lửa” giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình, bảo vệ khách hàng, đối tác kinh doanh và người tiêu dùng trước các tác động hoặc khả năng gây tác động tiêu cực do các hành vi vi phạm gây ra, từ đó, góp phần tăng cường hiệu quả cạnh tranh trên thị trường.
Các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật cạnh tranh còn giúp tạo lập và thúc đẩy môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh; duy trì một sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể tham gia. Sự cạnh tranh hiệu quả của các doanh nghiệp trên thị trường sẽ thúc đẩy đổi mới và hiệu quả trong hoạt động kinh tế nói chung, tạo ra của cải, vật chất nhiều hơn cho xã hội, từ đó, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.
Ở góc độ của người tiêu dùng, nỗ lực các doanh nghiệp trong phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế, đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh hiệu quả sẽ giúp người tiêu dùng được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ với các chủng loại đa dạng hơn, chất lượng cao hơn và ở mức giá cạnh tranh. Cạnh tranh cũng giúp khắc phục sự mật cân bằng sức mạnh thị trường giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, do đó, đóng góp cho phúc lợi của người tiêu dùng, đảm bảo không có thặng dư về chi phí đối với người tiêu dùng.
Các phân tích về rủi ro khi vi phạm pháp luật cạnh tranh, lợi ích của việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh đã cho thấy sự cần thiết phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, loại trừ hoặc giảm thiểu rủi ro, tăng cường hiệu quả cạnh tranh, uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp. Mặc dù phải đầu tư nguồn lực để tuân thủ pháp luật cạnh tranh, tuy nhiên, lợi ích mà nó mang lại vượt xa các chi phí đầu tư đó, chưa kể sự đầu tư nguồn lực đó là hoàn toàn chủ động, phụ thuộc vào điều kiện, đặc thù của mỗi doanh nghiệp.
Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 (Luật Cạnh tranh năm 2018) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại kỳ họp thứ 5, thay thế cho Luật Cạnh tranh năm 2004. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.