Nền tảng vững chắc
Giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ở Vĩnh Phúc tăng bình quân 14,2%/năm. Trong thời gian qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi chậm lại, song vẫn ở mức cao so với các tỉnh trong vùng và là động lực chính để kéo tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản.
Ngành chăn nuôi ở Vĩnh Phúc phát triển ở tất cả các huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở các địa bàn trung du miền núi thuộc các huyện phía Tây và Tây Bắc. Tại các huyện này, đàn lợn chiếm 72,3%, đàn gà chiếm 78,7%, đàn bò thịt chiếm 77,8%, đàn bò sữa chiếm 86,7% và đàn trâu chiếm 79,7% tổng đàn của cả tỉnh.
Quy mô đàn bò sữa của Vĩnh Phúc đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng; phát triển nhất ở huyện Vĩnh Tường (chiếm khoảng 90% tổng đàn), còn lại phân bố ở các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo. Chăn nuôi bò sữa đang tiếp tục phát triển và được xác định là một ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chăn nuôi lợn đã tạo được uy tín với thị trường do chất lượng đàn lợn thịt tốt, sản lượng thịt lợn hơi đạt gần 70 ngàn tấn (năm 2014) đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh và trên 50% được xuất bán ra ngoài tỉnh. Cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ngày càng phát triển và thể hiện tính cạnh tranh cao. Quy mô đàn lợn của tỉnh đứng thứ 18 cả nước và thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng, được chăn nuôi tập trung nhiều nhất ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo và Vĩnh Tường. Chăn nuôi lợn có cơ hội, tiềm năng để phát triển trở thành ngành hàng chủ lực.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 60% số hộ chăn nuôi gia cầm, tập trung chủ yếu ở các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch; đặc biệt là chăn nuôi gà, đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung tại huyện Tam Dương, Tam Đảo. Đàn gà đẻ trứng chiếm trên 30% tổng đàn, hàng năm sản xuất 370 triệu quả trứng. Chăn nuôi trang trại, gia trại, đặc biệt là gà lông màu, thả vườn, thả đồi phát triển mạnh với 438 trang trại (nuôi từ 2.000 con gà thịt trở lên); 1.052 trang trại (nuôi từ 1.000 con gà đẻ trứng trở lên); 216 trang trại (nuôi vịt từ 1.000 con trở lên). Nhiều trang trại nuôi gà áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến như nuôi chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt và sử dụng 100% thức ăn công nghiệp.
Sản lượng thịt bò hơi của tỉnh tăng đều qua các năm, đạt 5.849 tấn năm 2013, tăng bình quân 3 - 4%/năm giai đoạn 2011 - 2013. Đây là kết quả rất rõ của chính sách sind hóa đàn bò và chỉ đạo thực hiện quyết liệt của tỉnh để nâng tầm đàn bò thịt.
Giải pháp quan trọng
Mục tiêu của Vĩnh Phúc đối với ngành chăn nuôi trong những năm tới là phát triển theo hướng trang trại sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; từng bước chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo quản lý tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm và công tác phòng chống dịch bệnh; phấn đấu đến năm 2020 chăn nuôi chiếm 60% tổng giá trị của ngành nông nghiệp; chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn trở thành ngành hàng có tính cạnh tranh cấp vùng, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông thôn.
Với phương châm: Duy trì tốc độ tăng đàn hợp lý, tăng cường các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số giải pháp chủ yếu đối với chăn nuôi của Vĩnh Phúc:
1. Xác định giống trong chăn nuôi, lai tạo, cải tạo giống theo hướng chọn giống có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt đối với lợn, bò sữa, bò thịt… để tạo được đàn lợn có năng suất cao, hạ giá thành, tăng năng suất sữa/chu kỳ và tăng khối lượng bò thịt/con để tạo sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Quản lý chặt chẽ công tác giống, đặc biệt là nguồn tinh bò, bò đực, lợn đực giống.
2. Quản lý thức ăn chăn nuôi: Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thức ăn, nguyên liệu dùng cho thức ăn hỗn hợp; định kỳ, đột xuất kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi theo qui định của pháp luật. Quản lý hệ thống đại lý, phân phối thức ăn đúng quy định của pháp luật.
3. Công tác thú y: Xây dựng quy trình giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm từ xã đến tỉnh, đặc biệt hệ thống báo cáo định kỳ, đột xuất về dịch bệnh. Tổ chức tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi 2 đợt/năm. Thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng qui định của Pháp luật về thú y. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong kiểm soát chặt chẽ lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh. Từng bước tổ chức quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
4. Đổi mới tổ chức sản xuất để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, không gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã; xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong đó doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm là trọng tâm; tổ chức lại sản xuất với vật nuôi, cây trồng chủ lực, có lợi thế; tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt thu hút đầu tư các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông - lâm - thủy sản.
Quyết tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trên cơ sở nền tảng vững chắc về chăn nuôi mà tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo dựng từ trước tới nay, nắm bắt kịp thời cơ hội, vận dụng có hiệu quả những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Nhà nước và của tỉnh, tin rằng ngành chăn nuôi ở Vĩnh Phúc sẽ khẳng định vị trí, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.