Giai đoạn 2016-2020 nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế và sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam đạt 5,99% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Trong giai đoạn này, sản xuất công nghiệp liên tục phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân toàn ngành tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,3%), ngành công nghiệp chế biến chế tạo liên tục phát triển và trở thành ngành có tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp trong ngành Cơ khí.
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng. Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Ngành cơ khí đã bước đầu hình thành được một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực cũng như đã manh nha hình thành mô hình cụm ngành (cluster) về ngành cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast...). Đặc biệt, trong giai đoạn này chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí khi các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực và thực hiện tổng thầu thành công nhiều công trình lớn với tỷ lệ nội địa hóa cao. Một số kết quả nổi bật của ngành cơ khí trong giai đoạn vừa qua như sau:
- Về thiết bị toàn bộ: Đã làm chủ và sản xuất nhiều loại dây chuyền, thiết bị toàn bộ cho các công trình lớn, các công trình trọng điểm, như các dự án điện nguồn (nhiệt điện, thủy điện), các nhà máy trong nhiều lĩnh vực: thép, xi măng, alumin, khai thác và chế biến khoáng sản, đường, chế biến mủ cao su.v.v…
- Chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công: Các thiết bị thủy công của các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ của đều có dấu ấn của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Nhiều thiết bị cơ khí thuỷ công có tổng trọng lượng lên tới hàng chục ngàn tấn đều được các doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chất lượng đáp ứng yêu cầu thiết kế.
- Sản xuất - lắp ráp ô tô: Đã hình thành ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với khoảng gần 40 doanh nghiệp đạt tổng công suất lắp ráp thiết kế hơn 680.000 xe/năm. Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.
- Sản xuất xe gắn máy: Ngành sản xuất xe máy trong nước đã có những tiến bộ vượt bậc, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước với tỷ lệ nội địa hoá các loại xe đạt khoảng 85 - 95%, có nhiều sản phẩm, linh kiện phụ tùng xuất khẩu ổn định.
- Ngành chế tạo thiết bị điện: Đã thiết kế, chế tạo trong nước các loại máy biến áp phục vụ cho nhà máy điện, hệ thống truyền tải; sản xuất được các loại cáp điện, cáp quang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thiết kế, chế tạo được tủ điện các loại. Tiếp nối thành công của máy biến áp 220kV, máy biến áp 500kV sản xuất trong nước đã được đưa vào vận hành, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong các quốc gia ở Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500kV. Đặc biệt, ngày 13/9/2019, Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh đã xuất xưởng Máy biến áp nguồn ba pha 500kV – 467MVA đầu tiên tại Việt Nam. Rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo máy biến áp nguồn 3 pha điện áp siêu cao áp công suất lớn.
- Cơ khí phục vụ nông nghiệp: Đã chế tạo các hệ thống thiết bị chế biến nông sản sau thu hoạch, chế biến hạt giống, sản xuất phân bón, sản xuất động cơ diesel (đến 30 mã lực), động cơ xăng cỡ nhỏ; máy bơm nước; máy kéo 4 bánh 24 - 45 mã lực, máy cày tay dưới 18 mã lực. Động cơ xăng, diesel cỡ nhỏ sản xuất trong nước được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, ASEAN.
- Ngành khai thác và chế biến than, khoáng sản: Chế tạo và lắp ráp các thiết bị máy xúc, máy xúc thủy lực phòng nổ trong hầm lò, các loại giàn chống tự hành, giá khung di động, các loại cột chống, xy lanh thủy lực phục vụ khai thác than hầm lò, các loại xe chuyên dùng. Thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị sàng tuyển than và khoáng sản.
- Các ngành sản xuất cơ khí khác: Sản xuất xe đạp, các loại cần trục, cầu trục, cơ khí xây dựng v.v... đều đạt được những thành tích đáng kể. Đặc biệt ngành cơ khí dầu khí lần đầu tiên đã chế tạo thành công và đưa vào hoạt động giàn khoan tự nâng, thay thế sản phẩm nhập khẩu. Giàn khoan tự nâng 400ft-Tam Đảo 05 với tổng vốn đầu tư 230 triệu USD (khoảng 4.850 tỷ VND), trong đó phần kinh phí đối ứng tham gia thực hiện dự án khoa học và công nghệ là trên 1.000 tỷ VND. Giàn khoan có khả năng hoạt động tới độ sâu 400ft (tương đương 120m), chiều sâu khoan có thể lên đến 9.000m.
Dự án đầu tư Giàn khoan Tam Đảo 05 đã được bàn giao cho chủ đầu tư Vietsovpetro vào ngày 12/8/2016. Việc triển khai dự án khoa học và công nghệ đồng hành cùng dự án đóng mới giàn khoan 400ft-Tam Đảo 05 đã giải quyết được nhiều vấn đề về khoa học và công nghệ còn tồn tại đối với giàn khoan tự nâng nhằm tiến tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế, phát triển và hoán cải, thi công, chế tạo, hạ thủy tất cả các loại giàn khoan tự nâng phục vụ phát triển các loại giàn khoan dầu khí di động khác. Trong dự án Giàn khoan Tam Đảo 05, tỷ lệ nội địa hóa đạt 35% với một số thiết bị quan trọng được thiết kế, chế tạo trong nước như cụm thiết bị tháp khoan, chân giàn khoan và hệ thống tủ bảng điện. Đây là tiền đề hướng tới các sản phẩm giàn khoan bán chìm và các loại giàn/tàu khoan di động khác trong giai đoạn tiếp theo. Việc triển khai nghiên cứu về thiết kế, công nghệ chế tạo, đóng mới, nâng cấp, hoán cải giàn khoan tự nâng không chỉ đáp ứng nhu cầu của đất nước mà hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới, đồng thời là hướng chiến lược hết sức quan trọng có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông.
Cùng với các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những chuyển biến của ngành khi tác động vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo đến hoàn thiện sản phẩm… giúp các doanh nghiệp cơ khí cải tiến năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm góp phần chung cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Với phương châm khoa học và công nghệ là động lực chính thúc đẩy phát triển, doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động khoa học và công nghệ, trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao tiềm lực, đổi mới công nghệ, làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm. Đa số các nhiệm vụ đều bắt nguồn từ thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các công trình nghiên cứu bao gồm từ thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị, chế tạo nội địa hóa thiết bị, phụ tùng, cho đến phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc được triển khai áp dụng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng có hiệu quả vào thực tế và được đánh giá cao.
Đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương nói chung và các doanh nghiệp, viện, trường trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng, trong đó đặc biệt phải kể đến các viện nghiên cứu về cơ khí trực thuộc Bộ như NARIME, IMI, RIAM. Với vị trí và vai trò của một Viện nghiên cứu hàng đầu về cơ khí, trong giai đoạn này, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường và đã thực hiện thành công nhiều công trình lớn, có tiếng vang trong ngành cơ khí Việt Nam. Điển hình như: Công trình “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1, đang triển khai hợp đồng cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; Công trình cửa van cung đập tràn xả mặt tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu, cửa van phẳng tại Nhà máy Thủy điện Sơn La; Công trình thiết kế, chế tạo bộ làm mát ổ hướng máy phát của Nhà máy Thủy điện Sơn La; Công trình “Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình” được Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Công trình “Thiết kế, chế tạo thiết bị đầu quay không lõi làm sạch cáu cặn trong lòng ống trao đổi nhiệt bằng nước áp lực cao”. Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, mang lại hợp đồng kinh tế gần 1.200 tỷ đồng và mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước;
Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu của các tổ chức khoa học khác cũng có đạt được kết quả khả quan và được ứng dụng như dự án sản xuất thử nghiệm: “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc” của IMI đã chế tạo toàn bộ thiết bị, lắp đặt và hiệu chỉnh toàn bộ dây chuyền công nghệ thiết bị của dự án tại Văn Chấn - Yên Bái, góp phần phát triển bền vững các địa phương vùng Tây Bắc.
Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy Nông nghiệp cũng chủ trì, thực hiện nhiều công trình có kết quả ứng dụng cao, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như giải thưởng Nhân tài Đất Việt, VIFOTEC, Huy chương Vàng tại Triển lãm Quốc tế về Sáng tạo khoa học công nghệ tại Seoul Hàn Quốc 2019 với một số công trình tiêu biểu: Dự án “Dây chuyền thiết bị xử lý rác sinh hoạt thải thành phân Compost, năng suất 400-500 tấn/ngày đêm” do Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy Nông nghiệp chủ trì thực hiện đã ứng dụng hiệu quả tại một số đơn vị tại Lào Cai. Dự án “Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống năng suất Q = 100 ÷ 120 tấn/mẻ” tại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song phải nhìn nhận thực tế, năng lực và trình độ ngành cơ khí còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Trình độ công nghệ ngành cơ khí Việt Nam chưa theo kịp với thế giới có một phần nguyên nhân đến từ việc cụ thể hóa những cơ chế, các chính sách hỗ trợ còn chưa thật sự đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Mặt khác, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu ngành cơ khí chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, chưa coi trọng đầu tư cho việc đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, nhân lực khoa học và công nghệ trong công nghiệp cơ khí còn thiếu hụt, môi trường chưa đủ hấp dẫn và khuyến khích đội ngũ trí thức có trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí trong và người nước tham gia hoạt động khoa học và công nghệ. Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển, xứng đáng với tầm vóc và vai trò trong nền kinh tế đòi hỏi khoa học và công nghệ phải có tác động mạnh mẽ hơn nữa. Trong thời gian tới, các hoạt động về khoa học và công nghệ ngành cơ khí cần tập trung vào một số nội dung sau:
- Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện; công nghệ chế tạo khuôn mẫu chính xác cao, máy công cụ, máy nông nghiệp, phụ tùng, động cơ ô tô và phụ tùng cơ khí, giao thông đường sắt, thép chế tạo, cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ chế biến và bảo quản.
- Xây dựng và tiển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành kinh tế.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi sản xuất, chế tạo trong các ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng là sản xuất thông minh với nền tảng tự động hóa, số hóa. Trong bối cảnh đó, để có thể vượt qua được những khó khăn nội tại, tận dụng những cơ hội để chiếm lĩnh dần thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu, việc tiếp cận nhanh, đầy đủ, toàn diện các xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D v.v.... cũng như xây dựng các chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển sản xuất cơ khí tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản trị trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh là yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành cơ khí. Với lợi thế về nguồn nhân lực và lợi thế của một người đi sau trong khu vực khi khoa học và công nghệ, vốn đầu tư cùng với tri thức kinh doanh đang dịch chuyển mạnh mẽ, ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua cùng với việc nhận thức rõ những thách thức, tận dụng tối đa mọi cơ hội đầu tư phát triển trong bối cảnh mới sẽ đạt thêm nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao vị thế đất nước trong khu vực và quốc tế.