Sản xuất thuốc lá nguyên liệu ở Việt Nam là khâu quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá do nguyên liệu chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu chi phí sản xuất, có tác động lớn đến chất lượng, giá và tính cạnh tranh của sản phẩm Thuốc lá điếu.
Nỗ lực phát triển diện tích trồng nguyên liệu thuốc lá
Hiện nay, sản xuất nguyên liệu thuốc lá trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu sử dụng. Đặc biệt là nguyên liệu thuốc lá vàng sấy ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc cho sản xuất của các công ty thuốc lá điếu trong nước hiện tại cũng như trong tương lai.
Thời gian qua, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã nỗ lực để mở rộng vùng trồng nguyên liệu thuốc lá. Thống kê của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho thấy, năm 2022, diện tích đầu tư gieo trồng thuốc lá đã đạt 5.606 ha, vượt 1% so kế hoạch và tăng 8% so cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích đầu tư gieo trồng thuốc lá toàn Tổng công ty bước đầu được kiểm soát và ổn định. Trong đó, diện tích đầu tư gieo trồng của Công ty CP Ngân Sơn tăng 3%; Công ty CP Hòa Việt tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tại Công ty CP Ngân Sơn, năm 2022, diện tích trồng thuốc lá tại vùng Công ty đầu tư và quản lý dự kiến đạt 2.360 ha, bằng 105,6% so kế hoạch năm 2022 và bằng 105,4% so thực hiện năm 2022.
Tại Công ty CP Hòa Việt, tổng diện tích trồng là 1.961,5 ha, tăng 3,84% so với kế hoạch. Trong đó, trừ diện tích thuốc lá Madole (đạt 98,1% so với kế hoạch), diện tích thuốc lá Vàng sấy và Burley tại các vùng trồng đều tăng so với chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân là do vụ mùa 2020 - 2021 năng suất và chất lượng cao nên người trồng thuốc có lãi.
Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, người lao động ở lại địa phương sinh sống nên nguồn lao động đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dồi dào, tạo điều kiện để tăng diện tích trồng thuốc lá.
Đa dạng hóa giải pháp tăng diện tích vùng trồng
Mặc dù các đơn vị ngành Thuốc lá đã và đang nỗ lực rất lớn để phát triển vùng nguyên liêu, song thời gian qua, diễn biến thời tiết bất thường đã tác động rất lớn đến sản lượng, năng suất, chất lượng thu hoạch nguyên liệu vụ Xuân 2022, lá thuốc lá có trọng lượng nhẹ hơn so với năm trước và hàm lượng nicotine có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tại các vùng trồng và cạnh tranh trực tiếp của các loại cây trồng nông nghiệp khác. Chưa kể, do chất lượng nguyên liệu trong nước chưa cao, không ổn định nên chưa đáp ứng được nhu cầu đối với các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu.
Ngoài ra việc phát triển sản xuất công nghiệp thu hút lực lượng lao động nông thôn ra các khu công nghiệp và nhiều lao động khu vực giáp biên có xu hướng dịch chuyển sang các nước láng giềng làm thuê có thu nhập cao hơn dẫn tới khan hiếm nhân công. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm diện tích đầu tư trong giai đoạn qua.
Nhằm triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nhằm củng cố các vùng nguyên liệu chất lượng tốt và nâng cao chất lượng nguyên liệu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã và đang tích cực cập nhật những nội dung sửa đổi về quản lý sản xuất kinh doanh nguyên liệu thuốc lá tại Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP và các nghị định liên quan để rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế mua bán, giao nhận nguyên liệu thuốc lá của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, tiếp tục định hướng đơn vị sản xuất nguyên liệu phát triển bền vững vùng trồng nguyên liệu và đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Đối với Công ty CP Ngân Sơn, công ty đã ban hành Chương trình hành động số 62-CTr/ĐUCPNS ngày 29/10/2020 về thực hiện Nghị quyết số 151-NQ/DUCPNS ngày 05/12/2016 của Đảng ủy Công ty cổ phần Ngân Sơn về nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu thuốc lá hướng tới ổn định và phát triển diện tích tại các vùng nguyên liệu giai đoạn 2020 - 2022 với các giải pháp.
Cụ thể, với nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, trong các hợp đồng hợp tác đầu tư phải thể hiện rõ vai trò, cụ thể cam kết trách nhiệm ở các giai đoạn sản xuất và có biện pháp đánh giá thực hiện.
Hạn chế ký hợp đồng với từng nhóm hộ mà tịnh tiến đến ký hợp đồng với từng hộ nông dân. Thời gian ký hợp đồng là 3 năm theo đúng định hướng của Nhà nước.
Đối với nhóm giải pháp về ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan, chủ động đánh giá các yếu tố biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến công tác sản xuất nguyên liệu hàng năm để có biện pháp giảm thiểu tác hại đến diện tích và năng suất của các vùng đầu tư.
Đẩy sớm thời vụ gieo trồng, đảm bảo thời vụ trồng tại tất cả các khu vực trong tháng 01/2023. Đặc biệt, tiếp tục áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Với nhóm giải pháp về quản lý vùng nguyên liệu, tiếp tục làm việc và kiến nghị với Chính quyền địa phương tăng cường công tác giám sát việc tuân thủ thực hiện của các đơn vị tư nhân có cùng ngành nghề kinh doanh trên địa bàn.
Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền và nông dân địa phương với Công ty trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại các vùng nguyên liệu.
Riêng với Công ty Hòa Việt, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là phối hợp với các đơn vị chức năng: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tổng công ty để giải quyết dứt điểm thanh lý các tài sản trên đất không cần dùng của Công ty nhằm giảm chi phí trông coi, bảo quản, khấu hao… để nâng cao hiệu quả sử dụng của Công ty.
Thường xuyên bám sát đơn vị tư vấn để thực hiện quyền khiếu nại tại Tòa án tỉnh Đồng Nai về tiền thuê đất tại văn phòng Công ty (khu phố 8, phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) để xác định lại tiền thuê đất, qua đó tính toán lại đơn giá cho thuê kho cho phù hợp.
Tập trung công tác khuyến nông để hoàn thành chỉ tiêu thực hiện diện tích vụ mùa 2022 - 2023, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí, đảm bảo ổn định chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả người trồng thuốc lá.
Vụ mùa 2022 - 2023, Công ty tiếp tục triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong sản xuất nguyên liệu thuốc lá. Song song với đó, chọn những nhà cung ứng có uy tín trong việc thực hiện hợp đồng, thực hiện đúng qui trình canh tác, sơ chế và phân loại để hợp tác. Tiếp tục thực hiện cơ giới hóa, phần gia tăng năng suất và sản lượng.
Những năm qua, cây thuốc lá không chỉ đóng góp cho ngành công nghiệp Thuốc lá Việt Nam mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Do vậy, vấn đề mở rộng diện tích vùng trồng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp bách, đảm bảo mục tiêu kép phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững và góp phần cho công tác an sinh xã hội, đặc biệt là ở các địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc - khu vực tập trung lớn diện tích cây thuốc lá.