Previous Next

Thông tin chung đề tài:

Lĩnh vực: Điện tử

Mã đề tài: 083.19.ĐT.BO/HĐKHCN

Tác giả: Phạm Chí Công, Trần Huy Long (1) Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Duy Phong (2)

Đơn vị: (1) Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá

(2) Đại học Điện lực

Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu

Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển hệ thống giám sát tủ tụ bù hạ thế từ xa qua mạng thông tin di động

Thiết kế phần cứng thiết bị giám sát gồm: khối nguồn, khối thời gian thực, khối màn hình-bàn phím, khối xử lý trung tâm, khối giao tiếp truyền thông, khối giao tiếp bộ đo tham số điện, phi điện.

Nghiên cứu thiết kế xây dựng phần mềm có khả năng hiển thị và quản lý thông số giám sát hoạt động thu thập được của tủ tụ bù hạ thế. Cụ thể: giám sát hoạt động của tủ và các thực thể tụ bù, tự động thu thập và giám sát số liệu (các tham số dòng điện, điện áp..), giám sát trạng thái các thiết bị từ xa thời gian thực; cảnh báo sự cố và giám sát các thông số của tủ tụ bù hạ thế; cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra sự cố với trạm hiện trường, lưu trữ dữ liệu và lập báo cáo.

Xây dựng Cơ chế trao đổi dữ liệu.

Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu

Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát hoạt động và chất lượng của tủ tụ bù từ trung tâm qua mạng thông tin di động. Hệ thống cho phép quản lý, giám sát toàn bộ tủ bù hạ thế trên lưới điện bằng nền tảng Web. Các thiết bị giám sát đo liên tục nhiệt độ vỏ, dòng qua tụ ở từng pha để xác định chất lượng của tụ; đo cosφ xác định thời điểm cần bù công suất phản kháng. Phần mềm trung tâm có khả năng giám sát các tủ tụ bù hạ thế, cảnh báo sự cố; lưu trữ dữ liệu; vẽ đồ thị, lập báo cáo thống kê; đưa ra khuyến nghị khi nào cần thay tụ.

Kết quả nghiên cứu/giải pháp

Đề tài đã làm chủ các vấn đề về kỹ thuật và công nghệ xây dựng nên hệ thống điều khiển giám sát tủ tụ bù hạ thế từ trung tâm. Sản phẩm của đề tài có khả năng ứng dụng cho nhiều tủ tụ bù khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu của nhà chế tạo mà hệ thống có khả năng thêm bớt hoặc lược bỏ một số chức năng khi cần thiết. Nhóm thực hiện đề tài đã tính đến các tính năng khi thiết kế, tạo sự thích ứng linh hoạt cho hệ thống.

Thiết bị giám sát tủ bù hạ thế: Thiết bị giám sát sử dụng mạng thông tin di động GPRS/GSM để trao đổi dữ liệu với trung tâm có chức năng giám sát giá trị thông số tức thời (điện, phi điện), giá trị các ngưỡng cài đặt (ngưỡng cao, ngưỡng thấp), các bit trạng thái (chế hoạt động, trạng thái điều khiển), các bit cảnh báo (vượt ngưỡng, dưới ngưỡng). Kết quả triển khai trong phòng thí nghiệm và thực tế cho thấy thời gian truyền dữ liệu trung bình từ 2-5s. Thiết bị có tính năng tự khôi phục kết nối với trung tâm để truyền dữ liệu khi mất sóng. Việc truyền dữ liệu ổn định, tin cậy, đạt kết quả tốt.

Phần mềm trung tâm: Với mỗi loại tài khoản đăng nhập, hệ thống có quyền và chức năng tương ứng được thiết lập. Vị trí, tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát được hiển thị trên nền bản đồ số (GIS). Phần mềm trung tâm giúp cán bộ quản lý, vận hành có thể theo dõi giám sát các thông số điện, phi điện của trạm hiện trường mà không cần phải tới trạm. Các thông tin về cảnh báo, chế độ làm việc của thiết bị cũng được hiển thị. Giao diện cho người dùng chức năng điều khiển, cài đặt ngưỡng.

Các thông tin cảnh báo được giám sát từ phía Server gồm: cảnh báo thấp dòng, cảnh báo quá dòng, cảnh báo nhiệt độ cao của tụ bù, cảnh báo mức thấp của hệ số công suất, Cảnh báo các thông số: dạng bảng, dạng cột được thể hiện ở.

Chức năng in ấn, lập báo cáo giúp người vận hành có thể đánh giá, dự đoán được xu hướng của giá trị thông số.

Giá trị ứng dụng

Đây là hệ thống giám sát từ xa hoàn chỉnh do các chuyên gia trong nước thiết kế chế tạo nhằm giám sát hệ thống tủ tụ bù hạ thế của EVN. Hệ thống tự động hóa có nhiều tính sáng tạo (không sao chép giải pháp của nước ngoài) nhằm giảm giá thành, sử dụng các thiết bị thông dụng, do đó hệ thống dễ dàng thích ứng với đặc điểm công nghệ của thiết bị hiện nay cũng như bảo trì và hỗ trợ vận hành hệ thống.

Hệ thống giám sát tủ tụ bù hạ thế từ trung tâm triển khai tại Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm - Hà Nội đã được thử nghiệm thành công trong thực tế. Kết quả ban đầu cho thấy hệ thống hoạt động ổn định. Các thông tin tức thời và cảnh báo từ hiện trường được truyền về trung tâm theo thời gian thực; các phép đo đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu hệ thống.

Khả năng mở rộng hệ thống dễ dàng với công nghệ cân bằng tải và điện toán đám mây. Kết  quả nghiên cứu có thể được áp dụng cho các lĩnh vực quan trắc môi trường (đất, nước, không khí), nhà trồng thông minh…, và nhiều lĩnh vực khác nhau trong thực tế.