Previous Next

Thông tin chung đề tài:

Lĩnh vực: Điện tử

Tác giả: TS. Trần Ngọc Hưng, ThS. Nguyễn Hoài Anh, TS. Đỗ Văn Vũ, TS. Trần Anh Quân, TS. Đinh Văn Duy, ThS. Nguyễn Hữu Quang, ThS. Hồ Anh Dũng, ThS. Bùi Tuấn Anh Long, ThS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (1), DS. Hoàng Thị Bình (2)

Đơn vị: (1) Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI)

(2) Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái

Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu

- Xây dựng mô hình vùng trồng nguyên liệu táo mèo và chùm ngây;

- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây;

- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sấy nguyên liệu bằng hồng ngoại để đưa vào chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu;

- Nghiên cứu thiết kế hệ thống thiết bị chế biến trà tan từ táo mèo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu;

- Xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp thiết bị thành hệ thống thiết bị chế biến trà tan từ táo mèo;

- Nghiên cứu thiết kế hệ thống thiết bị chế biến trà túi lọc từ táo mèo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu;

- Xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp thiết bị trên cơ sở bổ sung cho hệ thống thiết bị chế biến trà tan từ Táo mèo để chế biến trà túi lọc từ táo mèo;

- Nghiên cứu thiết kế hệ thống thiết bị chế biến bột dinh dưỡng chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu;

- Xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp thiết bị trên cơ sở bổ sung cho hệ thống thiết bị chế biến trà tan, trà túi lọc từ táo mèo để chế biến bột dinh dưỡng từ chùm ngây;

- Lắp đặt và vận hành thử nghiệm hệ thống thiết bị hỗn hợp chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu;

- Xây dựng quy trình vận hành, kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị và thực nghiệm sản xuất các sản phẩm trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây.

Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu

Viện IMI đã xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm với mục tiêu xây dựng giải pháp khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm hàng hóa từ nông sản, dược liệu đặc thù của vùng Tây Bắc, đem lại công ăn việc làm trực tiếp cho lao động địa phương trong việc tổ chức khai thác bền vững thiên nhiên và tạo vùng trồng nguyên liệu cho nhà máy. Tạo tiền đề cho việc đầu tư sản xuất hàng loạt các hệ thống thiết bị công nghệ và tổ chức chuyển giao cung cấp cho thị trường địa phương vùng Tây Bắc, nơi có dồi dào nguồn nguyên liệu cho dự án đặc biệt nguyên liệu táo mèo.

Kết quả nghiên cứu/giải pháp

- Hoàn thành các nội dung về xây dựng vùng trồng của dự án với mô hình 5 (ha) cây táo mèo tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái; mô hình 1 (ha) cây chùm ngây tại xã Sơn thịnh, huyện Văn Chấn, Yên bái và mô hình chế biến với việc ứng dụng công nghệ và dây chuyền thiết bị tại thôn Giàng B, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

- Hoàn thành các quy trình công nghệ chế biến trà và bột dinh dưỡng; Quy trình công nghệ sấy nguyên liệu bằng hồng ngoại.

- Hoàn thành các nội dung chuyên môn về thiết kế, quy trình chế tạo, kiểm tra và quy trình lắp đặt, vận hành dây chuyền công nghệ thiết bị của dự án.

- Chế tạo hoàn chỉnh toàn bộ thiết bị thuộc dây chuyền công nghệ của dự án và đã được kiểm tra thực địa vào đợt kiểm tra định kỳ lần thứ 2.

- Tổ chức vận chuyển, lắp đặt, hiệu chỉnh toàn bộ dây chuyền công nghệ thiết bị của dự án tại thôn Giàng B, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Dây chuyền công nghệ đã được đơn vị chủ trì kết hợp với đơn vị phối hợp hoàn thiện, tổ chức vận hành không tải, có tải đạt yêu cầu. Hiện tại, đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm tạo sản phẩm cuối cùng.

- Tập huấn 100÷200 lượt nông dân người dân tộc Mông của xã Suối Giàng về kỹ thuật trồng trọt táo mèo và chùm ngây.

- Đào tạo một đội ngũ vận hành được dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây cho các đơn vị phối hợp là Công ty cổ phần chè San Tuyết.

Sản xuất được: Trà hòa tan Táo mèo: 5.000 hộp (hộp 24 gói, 7 g/gói); Trà túi lọc táo mèo: 5.000 hộp (hộp 24 gói, 2,5 g/gói); Bột dinh dưỡng Chùm ngây: 1.000 gói (250÷500 g/gói).

Giá trị ứng dụng

Về kinh tế xã hội, dự án triển khai phù hợp với điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc. Khai thác được tối đa nguồn nguyên liệu táo mèo tại địa phương và tận dụng điều kiện tự nhiên, diện tích vùng tiến hành trồng nguyên liệu chùm ngây để sản xuất thành hàng hóa nhằm tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế vùng. Qua đó, xây dựng được thương hiệu quả táo mèo, dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc đến với thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở cung cấp các sản phẩm chế biến có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, rất tốt cho sức khỏe con người sử dụng

Sản phẩm của dự án trà táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây là các sản phẩm chức năng có nguồn gốc 100% dược liệu thiên nhiên, ảnh hưởng rất tốt đến sức khỏe con người. Kết quả của dự án góp phần tạo ra sản phẩm trà dược liệu táo mèo mới và bột dinh dưỡng chùm ngây chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài ra còn có tác dụng rất lớn trong việc quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam nói chung mang thương hiệu của vùng Tây Bắc nói đến với thế giới.

Với số vốn ngân sách đầu tư khoảng 8,5 tỷ đồng, nhà máy sử dụng 1 dây chuyền công nghệ và thiết bị của dự án tại địa phương Tây Bắc đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm cho địa phương vùng khoảng 6 tỷ đồng. Với sản lượng nguồn nguyên liệu đặc hữu là táo mèo của Vùng Tây Bắc hàng năm trên 25.000 (tấn) hiện chỉ khai thác chưa đến 1/5 công suất với lợi nhuận thấp. Nếu triển khai dự án, chỉ khai thác thiên nhiên thì hiện cũng cần đến hàng chục dây chuyền công nghệ tương tự của dự án cần được chế tạo mới và chuyển giao công nghệ.