Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Công Thương năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2025 đã đến và nhiệm vụ, sứ mệnh đối với ngành Công Thương là rất lớn. Trong đó, Trung ương, Quốc hội xác định trong năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 8%, phấn đấu 2 con số, theo đó, ngành Công Thương phải tăng ít nhất 10-12% trong lĩnh vực công nghiệp và trong lĩnh vực năng lượng phải tăng từ 12-16% mới có thể đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh đó, đặt trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn khó lường, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã khó, 10% trở lên còn khó hơn nhiều.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thuộc Bộ tập trung triển khai tốt những nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, làm tốt công tác nghiên cứu, quán triệt, kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 để quyết liệt trong triển khai và tổ chức thực hiện.

Thứ hai, từng đơn vị thuộc Bộ cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, Chương trình làm việc và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ để xây dựng kế hoạch hành động, phân công, phân nhiệm rõ ràng và thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, kiên quyết.

Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác.

Các đoàn thể cần phát động, tổ chức nhiều hơn các phong trào thi đua và các cuộc vận động để tạo không khí phấn khởi, thi đua trong từng đơn vị. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Thứ tư, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần chú trọng nâng cao tính chủ động, kịp thời trong tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Bộ; quyết liệt và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện trong đơn vị và quán triệt, thực hiện nghiêm phương châm cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì Luật cho phép, làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không được để công việc bê trễ, đùn đẩy giữa các đơn vị và giữa các cá nhân với nhau. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các sai sót, vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trong mọi hoạt động công tác, nhất là việc xây dựng, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung; sử dụng chữ ký số và tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cấp độ 4 để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ sáu, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương triện, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bổ sung, thay thế kịp thời các trang thiết bị còn thiếu, xuống cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị, bộ phận, cá nhân.

Thứ bảy, chủ động rà soát, đánh giá, nắm bắt đúng tình hình trong từng đơn vị để có giải pháp giải quyết phù hợp, dựa trên quy định của pháp luật, nguyên tắc Điều lệ Đảng và phù hợp với thực tiễn bối cảnh, tình hình cụ thể, không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, bức xúc, mất đoàn kết nội bộ.

Thứ tám, tiếp tục chú trọng phát huy dân chủ trong thảo luận, hành động; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các đơn vị với phương châm “Lãnh đạo toàn diện; Việc ở đâu phải do cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo ở đơn vị đó chỉ đạo giải quyết trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước, không được né tránh, đùn đẩy”; đề cao vai trò các tổ chức đoàn thể và tinh thần nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ; đồng thời, phát huy tốt vai trò của Thanh tra nhân dân, tổ chức tốt cho các Hội nghị đối thoại với Lãnh đạo Bộ để giải quyết các vấn đề của các đơn vị.

Thứ chín, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, các quy chế, quy định của Ban cán sự đảng (tới đây là Đảng uỷ Bộ) và Lãnh đạo Bộ phù hợp theo thiết chế mới, quy định mới.

Thứ mười, tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ cần quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm túc việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tóm lại năm 2024, với phương châm “Kế thừa, đổi mới, vươn tới đỉnh cao”, chúng ta đã đạt được những đỉnh cao, năm 2025 sẽ là “Mục tiêu trên giao - Cao hơn mũi mức - Công Thương gắng sức - Quyết liệt mỗi ngày - Người người hăng say - Ra tay quyết thắng”.” - Bộ trưởng nêu.