Dự kiến chi hơn 3.100 tỷ đồng để đầu tư tàu mới
Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu ở mức 8.800 tỷ đồng và lãi ròng 760 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 39% so với 2023.
Đây được xem là kế hoạch khá thận trọng và PV Trans thường có xu hướng đặt kế hoạch mục tiêu thấp, sau đó kết quả thực tế vượt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây.
Đáng chú ý, PV Trans dự kiến sẽ chi 3.374 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh doanh trong năm nay; trong đó, dự chi 3.102 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong năm nay, PV Trans sẽ có 02 dự án chuyển tiếp từ năm ngoái sang với tổng vốn đầu tư là 80 triệu USD (tương đương 1.880 tỷ đồng), gồm: đầu tư 01 tàu VLGC (72.000 - 85.000 Cbm) hoặc 01 tàu Aframax (80.000 - 120.000 DWT) hoặc 02 tàu MR (45.000 - 55.000 DWT) với giá trị tối đa 58 triệu USD; và đầu tư 01 tàu dầu hoá chất (10.000 - 25.000 DWT) hoặc 01 tàu hàng rời (25.000 - 75.000 DWT) với giá trị tối đa 22 triệu USD.
Đồng thời, PV Trans cũng khởi công dự án mới của năm nay với việc dự kiến chi tối đa 52 triệu USD (tương đương 1.281 tỷ đồng) để đầu tư 02 tàu MR (45.000 - 55.000 DWT) hoặc 01 tàu Aframax (80.000 - 120.000 DWT).
Bên cạnh đó, công ty dự kiến chi 262 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn vào 03 công ty gồm: Công ty PVT Logistics, Công ty HH Thăng Long, và Công ty Cổ phần Vận tải Đông Dương.
Qua đó cho thấy PV Trans tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “trẻ hoá” đội tàu khi chiến lược này bắt đầu đem lại “quả ngọt”, giúp công ty giành được nhiều hợp đồng trên thị trường quốc tế với mức giá cước cao.
Trong năm 2023, công ty đã mua và thuê mua tổng cộng 12 tàu, nâng quy mô đội tàu sở hữu và quản lý lên 51 tàu với tổng trọng tải gần 1,4 triệu DWT, tăng thêm 37% so với hồi đầu năm. Theo đó, PV Trans ghi nhận doanh thu gần 9.500 tỷ đồng và lãi ròng 980 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 7% so với năm 2022. Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất kể từ khi công ty này niêm yết vào năm 2007.
Giá cước và nhu cầu vận tải tiếp tục ở mức cao
Trong năm nay, 12 tàu mới được mua và thuê mua trong năm 2023 với tổng công suất 378.000 DWT sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của PV Trans. Ngoài công suất gia tăng, việc đa dạng kích cỡ và loại tàu được kỳ vọng sẽ giúp PV Trans mở rộng đáng kể tệp khách hàng, dễ dàng hơn trong việc cho thuê.
Theo đánh giá của hãng chứng khoán Yunata Vietnam, nếu kế hoạch đầu tư mở rộng đội tàu trong năm 2024 của PV Trans được thực hiện thành công, tổng công suất đội tàu đến cuối năm 2024 ước tính tăng thêm 40% so với năm 2023.
Qua đó, củng cố năng lực cạnh tranh trong trung hạn của PV Trans trên thị trường quốc tế. Việc mở rộng ra thị trường quốc tế sẽ thúc đẩy doanh thu và biên lơi nhuận cho công ty, Yunata Vietnam nhận định.
Trong 50 tàu hiện tại phục vụ mảng vận tải của PV Trans đã có đến 41 tàu chạy tuyến quốc tế, tỷ trọng tải trọng tàu chạy quốc tế chiếm đến 70% tổng tải trọng có thể vận chuyển của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, việc giá dầu thô dự kiến sẽ tiếp tục neo cao, các xung đột quân sự Nga - Ukraine và Israel - Hamas, cùng với các cuộc tấn công của Houthi vào tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ sẽ hỗ trợ cho giá cước vận tải của PV Trans và các công ty con. Yunata Vietnam dự báo giá cước tàu sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung tàu chở dầu và nhiên liệu trên toàn cầu chưa thể tăng trong 1 - 2 năm tới trong khi nhu cầu vẫn ổn định.
Hiện MBS Research nhận định, nhờ việc tái ký các hợp đồng với giá cước cao, biên lợi nhuận mảng vận tải dầu thô, dầu sản phẩm/hoá chất của PV Trans trong năm 2024 sẽ duy trì ở mức cao từ 22% - 29,5%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình những năm gần đây.
Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của PV Trans được kỳ vọng sẽ đến từ xu hướng Việt Nam gia tăng nhập khẩu khí LNG cho sản xuất năng lượng và hoạt động sản xuất công nghiệp.