PVN thực hiện mọi biện pháp để giảm giá thành sản phẩm về mức tối ưu

Mặc dù tình hình thế giới, trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng trong tháng 8, PVN đã duy trì được nhịp độ phát triển. Kết quả sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm đã đóng góp rất lớn đối với sự ổn định của tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Tại buổi giao ban trực tuyến với Tổng giám đốc các đơn vị thành viên về kết quả SXKD tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp 4 tháng cuối năm 2020, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, PVN tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để nắm chắc các xu hướng, diễn biến của dịch bệnh cũng như giá dầu, chủ động đưa ra các dự báo để trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành từ nay đến cuối năm.

Ông Lê Mạnh Hùng cho hay, chỉ còn 4 tháng nữa chúng ta sẽ kết thúc năm 2020, một năm đầy thách thức. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn đang đón đợi phía trước.

Tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn thế giới như Mĩ, Trung Quốc nhưng thị trường liên quan trực tiếp đến kinh tế Việt Nam như EU lại đang đối mặt với những đợt dịch mới, kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

dầu khí 45 năm

 

Trong nước, dù tình hình dịch bệnh tạm thời được kiểm soát nhưng nhiều ngành nghề vẫn đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu tín dụng được dự báo vẫn không mấy khả quan trong nửa cuối năm do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp. Tín dụng cả năm 2020 dự báo tăng trưởng khoảng 8,0 - 9,0% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên một nghịch lý lại đang xảy ra, dù thị trường chung được dự báo “ấm” lên thì tốc độ tăng giá dầu thế giới trong tháng 7, 8 có dấu hiệu chững lại so với tháng 5 và 6. Trung bình giá dầu Brent tháng 08 đạt khoảng 44,79 USD/thùng (tăng 3% so với trung bình tháng 07). Cùng xu hướng với giá dầu thô thế giới, giá các mặt hàng xăng tăng khoảng 2-3% so với trung bình tháng 07.

Mặc dù tình hình thế giới, trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng trong tháng 8, PVN đã duy trì được nhịp độ phát triển. Kết quả sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm đã đóng góp rất lớn đối với sự ổn định của tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 8 đạt 0,92 triệu tấn quy dầu, vượt 109,5 kế hoạch tháng; tính chung 8 tháng đạt 7,76 triệu tấn quy dầu, đạt 108,2% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất điện tháng 8 đạt 1,28 tỷ kWh, tính chung 8 tháng đạt 14,03 tỷ kWh, bằng 96,9% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất đạm tháng 8 đạt 116 nghìn tấn bằng 83,65% kế hoạch tháng; tính chung 8 tháng đạt hơn 1, 176 triệu tấn, bằng 104,8% kế hoạch 8 tháng. Sản xuất xăng dầu tháng 8 đạt 841,7 nghìn tấn, bằng 109,7% kế hoạch tháng; tính chung 8 tháng đạt hơn 8,2 triệu tấn, bằng 93,3 % kế hoạch 8 tháng.

Sở dĩ nhiều lĩnh vực sản xuất bị giảm sản lượng so với tháng 7 và không đạt kế hoạch tháng là do tháng 8/2020, các đơn vị như BSR, PVCFC tiến hành bảo dưỡng nhà máy nên kế hoạch sản lượng của hai đơn vị này giảm tương ứng với số ngày dừng bảo dưỡng. Ngoài ra, tháng 8/2020 là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão cho nên các đơn vị khai thác dầu khí, sản xuất sản phẩm đều chủ động điều chỉnh giảm công suất về mức an toàn, giảm sản lượng sản xuất để phù hợp với nhu cầu thị trường. Do đó, kế hoạch sản lượng khai thác dầu thô, điện, đạm cũng được điều chỉnh phù hợp dẫn đến kế hoạch tiêu thụ khí cũng giảm tương ứng (tháng 6,7 hàng năm là cao điểm nắng nóng nên nhu cầu điện huy động điện cao hơn các tháng khác trong năm).

Cùng với những kết quả khả quan từ sản xuất kinh doanh, giá dầu thô xuất bán của PVN trung bình tháng 8 là 47,5 USD/thùng, tăng khoảng 2,3 USD/thùng so với giá dầu tháng 7/2020 nhưng vẫn thấp hơn so với giá dầu kế hoạch năm 2020 là 60 USD/thùng.
Tính chung cả 8 tháng, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đạt nhiều kết quả khả quan, đặc biệt, toàn Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 44.818 tỷ đồng.

Sau thời gian chấm dứt giãn cách xã hội lần 1 do dịch Covid 19, tình hình tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị trong Tập đoàn cũng có đà tăng trở lại nên đã bù đắp một phần vào kết quả doanh thu của Tập đoàn, đặc biệt là tình hình tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu của BSR, PV OIL và chi nhánh PVNDB trong tháng 6 và 7 của năm 2020.

Đóng góp cho thành quả vượt khủng hoảng "kép" của Tập đoàn trong suốt tháng 8 đầu năm, đáng ghi nhận có 15 đơn vị đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực. Nổi bật là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, trong tháng 8, công ty đảm bảo tình hình khai thác ổn định và hoàn thành 109% kế hoạch khai thác, còn trong 8 tháng đầu năm hoàn thành 107,3% kế hoạch của năm, đạt được 2.100 tấn dầu. Với xu hướng giá dầu hiện nay trong khoảng 40-45 USD/thùng, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp sẽ không chịu áp lực về dòng tiền cho sản xuất. Đặc biệt, đầu tháng 9, Vietsovpetro đã hạ thủy thành công Khối thượng tầng Giàn đầu giếng BK-21.

PVN
 Giao ban trực tuyến với Tổng giám đốc các đơn vị thành viên về kết quả SXKD tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020

Trong những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được nhận định sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực của Tập đoàn, để giữ vững tiến độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược cho nền kinh tế, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, PVN sẽ bám sát tình hình thực tế để nắm chắc các xu hướng, diễn biến của dịch bệnh cũng như giá dầu, chủ động đưa ra các dự báo để trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành từ nay đến cuối năm.

"PVN sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch đã đề ra của Gói giải pháp ứng phó tác động kép dịch Covid-19 và giảm giá dầu thô. Mặt khác, các đơn vị trong Tập đoàn sẽ bám sát và triển khai tốt công tác tiết giảm chi phí đã đàm phán; xem xét tiết giảm/dừng giãn thanh toán/lùi thời gian thực hiện các chi phí sản xuất kinh doanh chưa cấp bách nhằm giảm giá thành sản phẩm về mức tối ưu" - Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nói.

Nguyên Hà