Trong thông báo ngày 25/7, hãng sản xuất chip điện tử có trụ sở chính tại San Diego (Mỹ) tuyên bố họ sẽ trả khoản phí bồi thường trị giá 2 tỷ USD cho NXP, đồng thời sẽ chi tới 30 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình.
Nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ lần đầu tiên công bố thỏa thuận mua lại NXP vào năm 2016, với kỳ vọng đây sẽ là "cửa ngõ" để hãng thâm nhập thị trường ôtô, an ninh và xử lý mạng.
Tuy nhiên, Qualcomm cũng đặt thời hạn chót để quyết định số phận thương vụ 44 tỷ USD này vào đêm 25/7, nếu như không được Chính phủ Trung Quốc phê duyệt.
Trung Quốc là nước cuối cùng trong số 9 thể chế mà Qualcomm phải tham vấn và có sự đồng ý trong thương vụ nói trên vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chiếm tới gần 2/3 doanh thu của tập đoàn trong năm ngoái.
Việc Trung Quốc trì hoãn phê duyệt thương vụ này được cho là có liên quan tới các căng thẳng thương mại hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington.
Phát biểu với giới chuyên gia, Giám đốc điều hành (CEO) của Qualcomm - ông Steven Mollenkopf - cho biết thương vụ này quá bấp bênh, theo đó hãng buộc phải "cân nhắc các rủi ro dựa vào tình hình địa chính trị hiện tại, và chúng tôi không tin sẽ có triển vọng tốt trong tương lai gần".
Theo báo cáo Qualcomm công bố ngày 25/7, doanh thu quý II/2018 của công ty này đạt 5,6 tỷ USD - tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích.
Giá trị cổ phiếu của công ty này cũng đã tăng 6%, lên mức 63,20 USD cho mỗi cổ phiếu vào lúc chốt phiên giao dịch cùng ngày, sau khi số liệu trên được công bố.