Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 4.300 điểm cầu.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương về phía Bộ Công Thương có các các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị thuộc Bộ.
Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan đơn vị.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết; đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI thực hiện Nghị quyết.
Theo đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW được kết cấu gồm 4 phần có liên quan chặt chẽ với nhau và có nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước, chung lòng chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời gian tới.
Các đại biểu thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương đã được quán triệt 4 nội dung cơ bản của Nghị quyết với 3 quan điểm, 2 mục tiêu, 7 nhiệm vụ; Chương trình kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trích lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với giới doanh nhân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập đất nước ngày 13/10/1945, Người đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam và Người đã khẳng định, trong lúc các giới khác ra sức giành độc lập cho nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế vững vàng và thịnh vượng.”
Ngoài ra, đối với các cấp, các ngành, các địa phương cũng cần phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Bởi sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 do Bộ Chính trị khóa XI Ban hành về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành công, thành tựu đạt được thì chúng ta còn nhiều mặt phải nỗ lực phấn đấu, nhất là sự quan tâm của hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền trong việc nhận thức và lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện môi trường lành mạnh cho việc phát triển kinh tế đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự Đảng đoàn, trực thuộc Trung ương phải đảm bảo quá trình tổ chức Nghị quyết tới toàn thể đảng viên, thực hiện đồng bộ các biện pháp cho phù hợp để phổ biến tuyên truyền Nghị quyết đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Nắm bắt, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp Ủy, tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, và đặc biệt sự nỗ lực của đội ngũ doanh nhân trong tình hình hiện nay. Cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Tầm nhìn đến năm 2045, Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.