Quảng Trị với vị trí chiến lược điểm đầu cầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); giao điểm huyết mạnh về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Ông Lê Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho biết: Quảng Trị ngày nay được nhắc đến là một trong những địa phương khá thành công trong việc chuyển hóa những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế. Điều này đã được quyết liệt hành động ngay từ nhiệm kỳ trước và đến nhiệm kỳ 2020 - 2025 càng được phát huy, khẳng định mạnh mẽ thông qua việc tỉnh xác định ngành Công nghiệp là một trong 03 trụ cột chính, trong đó năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm 2016 - 2020 đạt 11,42%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Trong đó, đã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: chế biến gỗ, dệt may, chế biến dược liệu, năng lượng...
Ngành Thương mại hiện nay đạt tỷ trọng đóng góp trong tổng GRDP của tỉnh khoảng 8,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 10,07%.
Cũng theo ông Dũng, chọn cực tăng trưởng cho lĩnh vực Công nghiệp là công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, đến nay, đã có 19 dự án vận hành thương mại với 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với 127MW và 11 dự án thủy điện với 167,5MW; tổng công suất: đạt 1.008,5MW. Với ước tính sơ bộ, mỗi MW sẽ đóng góp vào ngân sách trung bình 600 triệu đồng/năm; khả năng đóng góp hiện tại khoảng 600 tỷ đồng/năm.
Tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió với 1.177,2MW; 03 dự án điện mặt trời với 127MW; 01 dự án Nhà máy nhiệt điện than với 1.320MW, 02 dự án điện khí với 1.840MW và 18 dự án thủy điện với 260,5MW.
Đặc biệt, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII trình Hội đồng thẩm định quốc gia và Chính phủ đưa điện khí LNG Hải Lăng 1500MW vận hành giai đoạn trước năm 2030; Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 vẫn giữ nguyên đề xuất của nhà đầu tư với quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, đồng thời có thể chuyển đổi loại hình.
Các dự án năng lượng tái tạo tỉnh đã đề xuất, dự thảo Quy hoạch đã đưa vào Danh mục tiềm năng để khai thác trong thời gian tới. Trạm và Đường dây 500KV Đông Hà - Lao Bảo nhằm giải tỏa công suất các dự án năng lượng mới được quy hoạch giai đoạn đến năm 2025.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn song hành nhiều khó khăn cần trực diện nhìn nhận, đó là: Mặc dù nỗ lực rất cao nhưng thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, nhất là hạ tầng sân bay, bến cảng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá nhưng giá trị gia tăng khu vực thương mại-dịch vụ chưa đạt mức tăng như kỳ vọng.
Ngành dịch vụ quan trọng logistics, chưa thể hiện vai trò trong tăng trưởng chung của khu vực thương mại - dịch vụ; Quy mô, năng lực nền kinh tế còn hạn chế để tham gia khai thác hiệu quả từ những thuận lợi của Hành lang kinh tế Đông Tây; các doanh nghiệp chủ yếu vừa, nhỏ, siêu nhỏ, sức cạnh tranh thấp.
Theo ông Ông Lê Tiến Dũng, để ngành Công Thương Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững cần thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các giải pháp như sau:
Thứ nhất, đối với lĩnh vực phát triển thương mại: Các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung phát triển các trung tâm thương mại, điểm thương mại dịch vụ dọc Quốc lộ 1 và các tuyến tránh Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 và các điểm thương mại dịch vụ tại các điểm du lịch. Dành quỹ đất thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là tại các khu đô thị đông dân cư, gắn với du lịch của địa phương.
Đối với khu vực nông thôn, cần quan tâm phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả trong quản lý, kinh doanh khai thác chợ.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quảng Trị có 3 tổng kho với tổng công suất bể chứa 430.000 m3). Các kho này ngoài chức năng kho tuyến sau, còn được quy hoạch là kho xăng dầu trung chuyển sang Lào. Do đó, cần tạo điều kiện để sớm triển khai các dự án này đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.
Thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistics, các tổng kho hàng hóa trên Hành lang kinh tế ĐôngTây để hiện thực hóa xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Nghiên cứu đề xuất Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thứ hai, đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp: Tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng bình quân hằng năm tăng 11 - 12%.
Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp. Chú trọng ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ trên vùng nguyên liệu hơn 100.000 ha rừng trồng, tập trung xây dựng và cấp chứng chỉ rừng FSC nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, kể cả với các thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ...
Phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, nhất là các sản phẩm xuất khẩu như cây an xoa, quế,... Phát triển công nghiệp may mặc với lợi thế đất đai, nhân công, chuyển dịch lực lượng lao động, gắn với Cuộc cách mạng 4.0.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và xử lý môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu và cụm công nghiệp. Phát triển bền vững nghĩa là không đánh đổi kinh tế với môi trường bằng mọi giá. Hình thành khu, cụm công nghiệp hỗ trợ thông qua thu hút đầu tư chế biến sâu silicat, nguồn nguyên liệu có lợi thế trên địa bàn để phục vụ sản phẩm cho ngành công nghiệp năng lượng, chế tạo kính ô tô, dân dụng, công nghiệp điện tử...
Thứ ba, đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp năng lượng: Tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu theo Chương trình hành động số 15-CT/TU, ngày 27/4/2021 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Tích cực hỗ trợ dự án điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 với 1.500MW, đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 để đồng bộ với sử dụng mỏ khí Kèn Bầu và triển khai các giai đoạn tiếp theo; đưa khoảng 1.000 MW các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện sinh khối), khoảng 1.700 MW thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi, năng lượng hydrogen vào Quy hoạch điện VIII để triển khai đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2030.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai hoàn thành các dự án năng lượng đã được phê duyệt quy hoạch; trong đó có 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW và 7 dự án thủy điện với tổng công suất 93 MW. Hỗ trợ EVN đầu tư các trạm và đường dây 110 kV Cam Lộ, Tà Rụt, Triệu Phong, trạm 500 kV Hải Lăng, trạm và đường dây 500 kV Đông Hà - Lao Bảo để đồng bộ giải tỏa công suất các dự án năng lượng giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án điện gió với tổng quy mô công suất khoảng 1.800 MW.
Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Trị giữ vị trí 41/63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng chỉ số thành phần Tính năng động của chính quyền tỉnh, chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, chi phí thời gian và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng khá. Phát huy những yếu tố này là động lực quan trọng không chỉ thu hút đầu tư đối với ngành Công Thương mà còn các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy Quảng Trị thực sự phát triển nhanh và bền vững.