Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 25/2, theo giờ Việt Nam), giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã có lúc giảm tới 3% xuống mức 656 NDT (93,37 USD)/tấn. Chốt phiên giao dịch sáng nay, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm 1,6%, chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 10 phiên giao dịch liên tiếp.
Giá quặng sắt theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SICOM) cũng đã giảm 2,1% xuống còn 87,18 USD/tấn.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm mạnh trong sáng nay trong bối cảnh thị trường gia tăng lo ngại dịch virus Covid-19 có thể trở thành “đại dịch toàn cầu” khi số người nhiều bệnh tăng nhanh tại nhiều quốc gia trong vài ngày gần đây, điều này có thể khiến các hoạt động kinh tế toàn cầu suy giảm, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá, nguyên liệu sản xuất.
Tính tổng 10 phiên giao dịch gần nhất trước ngày 24/2, giá quặng sắt đã phục hồi tăng 16,6%. Đà tăng của giá quặng sắt trong những phiên giao dịch trước chủ yếu do thị trường lo ngại nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu sẽ giảm xuống khi các hãng khai khoáng hàng đầu thế giới như Vale SA (Brazil) và Rio Tinto (Australia) đều điều chỉnh giảm sản lượng khai thác trong năm 2020.
Bên cạnh đó, đà tăng của giá quặng sắt còn đến từ việc thị trường kỳ vọng các biện pháp cứu trợ kinh tế của Trung Quốc sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế nước này, cùng với đó là duy trì nhu cầu sử dụng quặng sắt và sắt thép.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá Hui Heng Tan thuộc hãng tư vấn Marex Spectro nhận định yếu tố nguồn cung quặng sắt giảm xuống sẽ chỉ hỗ trợ đà tăng của giá quặng sắt trong ngắn hạn và sẽ mất một thời gian thì nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc mới thực sự tăng trở lại do các hoạt động sản xuất thép tại đây vẫn bị đình trệ và lượng tồn kho sản phẩm thép ở mức cao. Hãng tin Reuters cho biết lượng thép xây dựng và thép không gỉ tồn kho tại Trung Quốc hiện ở mức cao kỷ lục.
Ông Hui Heng Tan cũng cho biết, tình trạng hàng tồn kho tăng cao kết hợp với việc giá thép sụt giảm do nhu cầu yếu đang khiến biên lợi nhuận của các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2019. Điều này có thể khiến các nhà máy thu hẹp hoạt động sản xuất, kéo theo đó là sụt giảm nhu cầu sử dụng quặng sắt.
Trong ngày 24/2, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại Trung Quốc hiện đạt 93 USD/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 22/1/2020, theo dữ liệu của hãng tư vấn thị trường SteelHome.
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá thép xây dựng theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất đã giảm 0,7%; giá thép cuộn cán nóng cũng giảm 0,4% và giá thép không gỉ giảm 1,1%. Trên sàn DCE, giá than luyện cốc tăng 0,4% nhưng giá than cốc giảm 0,7%.