Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các mức giới hạn của các chỉ tiêu liên quan đến an toàn đối với các loại thang máy thủy lực, lắp đặt cố định, phục vụ những tầng dừng xác định, có cabin được thiết kế để chở người hoặc chở hàng có người kèm, dẫn động trực tiếp hoặc gián tiếp bằng kích thủy lực, di chuyển theo ray dẫn hướng đặt đứng hoặc nghiêng không quá 15 độ so với phương thẳng đứng. Ngoài ra, một số thang máy phục vụ mục đích đặc biệt (xem chi tiết tại Quy chuẩn) còn phải được thỏa thuận riêng của cơ quan có thẩm quyền về an toàn lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy khi lắp đặt và sử dụng.
Các thang máy thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chuẩn phải đảm bảo các đặc tính kỹ thuật theo yêu cầu kỹ thuật của TCVN 6396-2:2009 (EN81-2:1998) Thang máy thủy lực - yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt. Trong quá trình sử dụng, ngoài việc đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật an toàn của TCVN 6396-2:2009 còn phải tuân thủ theo các quy định trong sổ tay hướng dẫn của nhà chế tạo.
Mẫu thang máy thủy lực (Ảnh minh họa)Đối với thang máy được chế tạo trong nước thì phải được chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 (Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) nếu thang máy được chế tạo hàng loạt thành từng lô hoặc chứng nhận hợp quy theo phương thức 8 nếu thang máy được chế tạo đơn chiếc. Thang máy phải được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đối với thang máy nhập khẩu thì phải được chứng nhận hợp quy “theo phương thức 7 nếu thang máy nhập khẩu theo lô hoặc phương thức 8 nếu thang máy nhập khẩu đơn chiếc” (Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định của Việt Nam hoặc tổ chức chứng nhận nước ngoài được thừa nhận theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký kết.
Trong trường hợp các thang máy nhập khẩu mà theo thỏa thuận song phương, đa phương giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các nước xuất khẩu thang máy quy định không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu, thì các thang máy này được miễn kiểm tra nhập khẩu. Bên cạnh đó, nếu chủng loại thang máy nào đạt yêu cầu chất lượng nhập khẩu trong 3 lần kiểm tra liên tục sẽ được xem xét miễn kiểm tra nhập khẩu.
Tuy nhiên, nếu phát hiện thang máy có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng nhập khẩu hoặc có phản ánh của người tiêu dùng, việc kiểm tra chất lượng thang máy sẽ được chuyển sang chế độ kiểm tra chất lượng nhập khẩu thông thường.
Chi tiết Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy thủy lực QCVN 18:2013/BLĐTBXH xem tại đây.