Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại diện đến từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn, đơn vị điện lực, tổ chức quốc tế, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và Đan Mạch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về những phát hiện chính, các thông tin cập nhật về xu hướng phát triển pin lưu trữ năng lượng (BESS) ở Đan Mạch và châu Âu. Đồng thời, hội thảo cũng tạo cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và bổ sung, đề xuất một số chi tiết vào các quy định về đấu nối lưới điện hiện hành để phù hợp với khả năng của hệ thống BESS.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) cho biết: Mức độ thâm nhập vào hệ thống điện của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng gia tăng. Phát triển hệ thống BESS là một trong những giải pháp giúp giải quyết những khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện và tăng cường tính linh hoạt trong vận hành.
Theo đó, quy định nối lưới có vai trò quan trọng trong việc tích hợp thành công các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) thường xuyên biến đổi. Các quy định chính xác và đầy đủ là tiền đề để đảm bảo vận hành lưới điện ổn định và đáng tin cậy. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định nối lưới là hết sức cần thiết trong bối cảnh tỷ trọng NLTT ngày càng lớn trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), nhu cầu điện toàn quốc tới năm 2030 vào khoảng 505 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu điện này dự kiến cần có khoảng 150.000 MW công suất nguồn điện. Quy hoạch điện VIII cũng đã định hướng phát triển cơ cấu nguồn điện theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Dự kiến vào năm 2030 tổng công suất nguồn điện gió và mặt trời vào khoảng 41GW, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống.
Trong bối cảnh tỷ trọng các nguồn NLTT ngày càng tăng tại Việt Nam, BESS đã được xác định là một giải pháp nhằm giải toả những khó khăn và tăng cường tính linh hoạt trong vận hành hệ thống điện. Theo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII, đến năm 2020 công suất của các hệ thống BESS là khoảng 300 MW, chiếm 0,2 tổng công suất nguồn điện.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày về vai trò của BESS trong hệ thống năng lượng tương lai của Việt Nam, dự báo triển vọng và kinh nghiệm phát triển BESS tại Đan Mạch và châu Âu, dự án BESS quy mô nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và công bố đề xuất các yêu cầu nối lưới cho BESS.
Ông Vũ Đức Quang, Phó Giám đốc trung tâm đào tạo và Nghiên cứu phát triển, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) cho biết BESS sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc trong vận hành hệ thống điện hiện nay. Theo đó, BESS có vai trò tích cực trong việc điều chỉnh cung-cầu, cải thiện và tăng độ an toàn mạng lưới, tăng độ ổn định hệ thống khi tỷ trọng NLTT tăng cao, giảm nhu cầu bổ sung nhà máy nhiệt điện, cho phép vận hành trong chế độ tách đảo (microgrid), giải quyết các vấn đề của hệ thống truyền tải như điệp áp, tần số, quá tải… và cải thiện chất lượng điện năng.
Cố vấn Cục năng lượng Đan Mạch, ông Andreas Sejr Andersen cho rằng thị trường BESS đang có triển vọng phát triển trên toàn cầu. Minh chứng là các hệ thống BESS nối lưới quy mô lớn lên tới 100MW đã được triển khai tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Đan Mạch…
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới 2022 của IEA, chi phí công nghệ từ năm 2013-2023 đã giảm 86%, và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống gần 125USD/kWh tới năm 2050. Các công nghệ liên quan, từ pin, thuỷ điện tích năng, lưu trữ dạng nhiệt, khí nén… được ứng dụng trong hệ thống điện ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn. Các yếu tố này hứa hẹn các giải pháp BESS với khả năng lưu trữ lớn trong tương lai, tăng khả năng dự báo và chuẩn bị cho nhu cầu phụ tải cao và tiềm năng lớn phát triển các công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng.
Hiện tại, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đang phối hợp chuẩn bị dự án BESS quy mô nhà máy đầu tiên tại Việt Nam mang tính trình diễn. Tuy nhiên, đề xuất này đang đối mặt với thách thức về thu hồi chi phí. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thị trường điện bị áp mức giá trần và chênh lệch giá thấp điểm-cao điểm quá nhỏ. Do đó, ADB đề xuất cách tiếp cận dự án như một một tài sản chịu sự quản lý của nhà nước, bao gồm chi phí sản xuất đã được phê duyệt. Đồng thời, đại diện ADB cũng mong muốn các cơ quan hữu quan sớm xem xét, cho phép EVN nghiên cứu đầu tư thí điểm dự án.
Tại Hội thảo, các đề xuất về yêu cầu nối lưới cho BESS cũng được công bố và thảo luận. Các nội dung chính bao gồm các yêu cầu cơ bản liên quan đến vận hành BESS trong hệ thống điện, xác định phạm vi thiết kế cho các tính năng được chọn, yêu cầu đối với mô hình mô phỏng hệ thống điện. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo giúp tạo cơ sở để các đơn vị quản lý tiếp tục nghiên cứu, xác định những nội dung quan trọng cho việc xây dựng các quy định về tích hợp BESS vào hệ thống điện.