Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị

Học tập lý luận chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Xác định công tác đào tạo lý luận chính trị là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, ngày 8/2/2022 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 57-QĐ/TW quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Việc Ban Bí thư ban hành Quy định 57 thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hoá, đảm bảo sự đồng bộ công tác đào tạo lý luận chính trị với việc đổi mới công tác cán bộ của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và phù hợp với tình hình mới.

Quy định 57 có nhiều điểm mới, cụ thể, đồng bộ, xác định rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị ở từng cấp, tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác đào tạo lý luận chính trị. Với 4 Chương, 12 Điều Quy định 57 sẽ tạo nên hành lang pháp lý để thống nhất việc lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp).

Ba nguyên tắc được nêu rõ trong Quy định 57 gồm:

Thứ nhất, bám sát chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác đào tạo lý luận chính trị; tổ chức đào tạo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, theo phân cấp và phù hợp với chức vụ, chức danh cán bộ.

Thứ hai, đào tạo lý luận chính trị bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan trong đào tạo lý luận chính trị.

Thứ ba, học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Cùng với việc cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác đào tạo lý luận chính trị Quy định 57 cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện, cụ thể:

- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Quy định theo thẩm quyền.

- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện Quy định; hướng dẫn thống nhất công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị đối với cán bộ các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; lựa chọn một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng trong chương trình đào tạo lý luận chính trị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nội dung các chương trình đào tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp, cao cấp và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình và thời gian đào tạo lý luận chính trị phù hợp từng cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và hướng dẫn thống nhất việc thực hiện nội dung, chương trình đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị.

- Các học viện, trường, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị xây dựng quy chế và tổ chức, quản lý đào tạo theo Quy định.

- Các cơ sở đào tạo thuộc các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương hiện đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị sẽ kết thúc nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị từ ngày 01/01/2024. Các cơ sở này phải xây dựng lộ trình để kết thúc khóa học đối với các lớp khai giảng mới và các lớp đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị trước ngày 31/12/2023.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương