Xuất khẩu sang 139 thị trường, trong đó có 4 thị trường chiếm tỷ trọng tương đương nhau: Mỹ và Nhật Bản chiếm khoảng 15%; EU và Trung Quốc khoảng 14%, với giá trị xuất khẩu dao động quanh mức 354-380 triệu USD.
Với tốc độ tăng trưởng cao nhất là 37%, rất có thể trong quý 2/2018, Trung Quốc vượt qua thị trường còn lại trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Tôm xuất khẩu sang 64 thị trường, trong đó một số thị trường chính tăng mạnh và duy trì 2 con số như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, do triển vọng kinh tế khả quan. Chỉ có thị trường Nhật Bản giảm 9%, do cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ.
Kế đến là xuất khẩu cá tra chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 612 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tại thị trường Mỹ, dù xuất khẩu cá tra gặp khó do thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn, nhưng xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng 22% do nhu cầu nhập khẩu cao.
Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, đạt 146 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30%. Xuất khẩu sang EU trì trệ, giảm 10% do nhu cầu chưa hồi phục. Xuất khẩu cá ngừ, mực bạch tuộc và các hải sản khác vẫn tăng trưởng 2 con số.
Trong năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với hàng loạt các khó khăn từ các thị trường, như: chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại thị trường Mỹ đã trở thành áp lực cho ngành, hay chương trình chống gian lận thương mại, truyền thông bôi xấu của châu Âu, việc châu Âu rút thẻ vàng đối với hải sản... là những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã biết tận dụng lợi thế, cơ hội, sự thuận lợi từ các FTA, được sự quan tâm của chính phủ, tăng cường công tác quản lý sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu...
Dự kiến xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm 2018, tăng 20% so với năm 2017 và hướng đến 20 tỷ USD năm 2025 như mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra.