Hội thảo do Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Công ty sách Omega Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) phối hợp tổ chức.
Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam hiểu thêm về các cơ hội mới, các rủi ro có thể gặp phải, từ đó gia tăng lợi ích trong mối quan hệ thương mại – đầu tư với Hong Kong và Trung Quốc trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (Trung Quốc) đã được chính thức ký kết ngày 21/11/2017 vừa qua.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, nhận định, đã có nhiều thoả thuận, cam kết giữa Việt Nam – Hong Kong, Trung Quốc để tạo khuôn khổ và điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai bên. Tuy nhiên, việc tận dụng lợi ích từ các thoả thuận này còn hạn chế.
Trước thực trạng đó, theo bà Bùi Kim Thùy - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cách duy nhất để doanh nghiệp hưởng lợi tối đa về ưu đãi thuế của các thoả thuận trên là hàng hoá xuất khẩu đáp ứng được quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Việc quản lý chặt chẽ hàng hoá xuất khẩu tuy có thể khiến việc hưởng thuế quan ưu đãi khó khăn hơn, nhưng là quy tắc quan trọng giúp hạn chế cơ hội được hưởng lợi của các quốc gia không phải thành viên, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng trong thành phẩm xuất khẩu từ quốc gia thành viên.
Để có thể tối ưu hoá lợi ích từ FTA, bà Thùy cho rằng cần có sự thay đổi trong cơ chế chứng nhận xuất xứ. Thay vì phụ thuộc vào các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp chứng nhận, các nhà xuất khẩu cần được uỷ quyền tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình. Từ đó, nhà xuất khẩu chủ động trong các thủ tục liên quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tối đa.
Bà Thuỳ cũng khẳng định, Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Đồng thời, mong muốn doanh nghiệp Việt Nam nắm vững và đáp ứng đúng quy tắc xuất xứ cũng như chuỗi cung ứng sản xuất khu vực hay toàn cầu, chủ động nguồn cung đầu vào và nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong thành phẩm để tận dụng cơ hội từ quan hệ thương mại quốc tế.