Rà soát, đánh giá đầy đủ tác động, hoàn thiện Dự thảo Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

Nhằm góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, đánh giá đầy đủ tác động và hoàn thiện Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Tiếp theo hội thảo tại TP. HCM, sáng ngày 27/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành ở trung ương, Sở Công Thương các địa phương phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực Sở giao dịch hàng hóa.

mua bán hàng hóa
Hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định cho biết, qua 18 năm tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam phát triển, thu hút được ngày càng nhiều đối tượng tham gia giao dịch, từng bước tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều Luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024,…

Theo đó để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết nhiều FTA ở cả cấp độ song phương và đa phương, dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay”, Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định cho biết.

Bùi Tuấn
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Thực hiện quy trình xây dựng Nghị định, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân về Dự thảo Nghị định.

Hội thảo này và hội thảo trước đó tại TP. HCM nằm trong chuỗi hội thảo tiếp tục lấy ý kiến của các chủ thể liên quan để Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu, rà soát và giải trình đối với toàn bộ các ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập cho biết: Mục tiêu chung của Dự thảo Nghị định là hoàn thiện các quy định, chính sách để phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và người dân; góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Về quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định, có 4 quan điểm lớn:

Thứ nhất, tiếp tục kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa;

Thứ hai, tuân thủ các quy định của Luật Thương mại, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về khung pháp lý;

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định để phù hợp với sự phát triển thực tế của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đi cùng việc nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra, giám sát của nhà nước, phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an toàn và trật tự xã hội;

Thứ tư, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thể chế quản lý hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, từ đó xây dựng các quy định của Nghị định phù hợp với thực tiễn cuộc sống và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ban soạn thảo
Ông Nguyễn Hoàng Khiêm - Đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập giới thiệu về nội dung chính của Dự thảo Nghị định.

Về định hướng xây dựng Nghị định:

Thứ nhất là theo hướng hoàn thiện các điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường để đảm bảo cách tổ chức vận hành thị trường đủ năng lực có thể phù hợp với quy mô hoạt động hiện nay. Theo dự báo đây là lĩnh vực sẽ có quy mô cũng như sự phát triển nhanh trong thời gian tới.

Thứ hai là hoàn thiện, sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động của các chủ thể doanh nghiệp, cá nhân tham gia trên thị trường mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa.

Thứ ba là hoàn thiện các nội dung về công tác quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, giám sát cũng như liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật và vấn đề xử lý những sai phạm trong lĩnh vực hoạt động này.

Về bố cục, Dự thảo Nghị định bao gồm 16 chương và 140 điều quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Tiếp thu ý kiến góp ý, đánh giá đầy đủ tác động, hoàn thiện Dự thảo Nghị định

Thảo luận tại Hội thảo, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết, quan trọng của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, soạn thảo.

Đồng thời các đại biểu cũng trao đổi, góp ý kiến thêm xung quanh những nội dung liên quan về: phạm vi điều chỉnh của Nghị định; vai trò, vị trí của chế định Sở giao dịch hàng hóa trong tương quan với các chủ thể khác trong lĩnh vực này; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quản lý hoạt động cấp phép mua bán hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hóa; quy định, yêu cầu đối với người tham gia thị trường giao dịch…

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, đầu tiên cần khẳng định mạnh mẽ về tầm quan trọng, vai trò của Sở giao dịch hàng hóa.

Theo TS. Võ Trí Thành, chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại hội nhập khẳng định thì thị trường này rất đặc biệt, là một thị trường cấp cao trong các loại thị trường. Ở Việt Nam hiện nay chúng ta đang làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ sửa những quy định cũ, ví dụ Luật đất đai sửa đổi, liên quan tới những nhân tố sản xuất như đất đai, tài nguyên… Song song với sửa cái cũ, chúng ta cũng phải làm mới, xây mới các quy định thì Nghị định này là một trong số những cái mới đó.

Do đó TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, quá trình xây dựng Nghị định cần lưu ý đến những vấn đề như: Xây dựng sàn giao dịch hàng hóa để gia tăng được lợi thế lớn về các mặt hàng nông sản; gắn hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa với định hướng xây dựng các trung tâm tài chính tại một số thành phố lớn...

Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định cần tiếp cận cả ở góc độ thông lệ quốc tế, đồng thời từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, chủ thể tham gia Sở giao dịch hàng hóa để đánh giá tổng thể tác động, từ đó có những điều khoản, quy định mới chất lượng cao nhằm giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho các chủ thể hoạt động.

Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Đánh giá cao việc Bộ Công Thương làm đầu mối xây dựng Nghị định mới, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế khuyến ​​nghị Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ xem xét đề xuất xây dựng Luật về Sở giao dịch hàng hóa hướng tới tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế theo quy trình, cần tiến hành nghiên cứu xem xét để xây dựng Luật về lĩnh vực hàng hóa phái sinh, cũng như cần xác định bãi bỏ hiệu lực của Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại để đồng bộ với quy định của pháp luật thương mại và pháp luật về tổ chức tín dụng.

Ngô Trí Long
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) khuyến nghị Ban soạn thảo cân nhắc theo hướng Nghị định xác định rõ những vấn đề Luật Thương mại giao Chính phủ hướng dẫn, cùng theo đó, rà soát các quy định trong các Luật có liên quan, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Đối với lĩnh vực mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hóa, để giải quyết triệt để những vấn đề vướng mắc như Ban soạn thảo nêu ra, việc ban hành Luật chuyên ngành là cần thiết", TS. Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh.

Đinh Dũng Sỹ
TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ)

Kết luận Hội thảo, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập mà Vụ Thị trường trong nước là đơn vị đầu mối sẽ tiếp thu, tổng hợp toàn bộ nội dung ý kiến góp ý của các đại biểu đối với Dự thảo Nghị định, báo cáo cấp có thẩm quyền để có thông tin phản hồi, giải đáp.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của Dự thảo Nghị định đối với các chủ thể liên quan, đảm bảo hoàn thiện hoàn thiện Dự thảo Nghị định nhằm góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Việt Hằng