Reuters: Dự kiến Trung Quốc cấm nhập khẩu than chất lượng thấp

Hãng tin Reuters cho biết, Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ nhanh chóng cắt giảm việc nhập khẩu than chất lượng thấp nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp than của nước này.

Các doanh nghiệp khai thác than của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mức thua lỗ ngày càng gia tăng do tình trạng cung vượt cầu và nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống. Hiệp hội ngành than quốc gia Trung Quốc (CNCA) đã gửi đề nghị, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc ngừng nhập khẩu than chất lượng thấp, có hàm lượng tro cao hơn 15% và hàm lượng lưu huỳnh vượt mức 0,6%. Theo hãng tin Reuters, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) – hai cơ quan hoạch định chính sách quan trọng thuộc Chính phủ Trung Quốc, vừa qua, đã ký đồng ý với đề nghị trên. Đề nghị này hiện đang chờ sự chấp thuận của Quốc vụ viện Trung Quốc để được chuyển thành luật.

Hãng tin Reuters cho biết, đề nghị trên của CNCA nhằm cắt giảm khoảng 10% lượng than được nhập khẩu vào Trung Quốc, qua đó tạo sự cân bằng trên thị trường than nội địa nước này. Hiện các quan chức thuộc CNCA từ chối xác nhận các chi tiết trong đề xuất; các quan chức NDRC và NEA cũng không đưa ra bình luận nào về đề xuất trên.

Nếu đề nghị này được thực hiện thì các nhà xuất khẩu than vào thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là Australia và Nam Phi với loại than nhiệt lượng 5.500 kcal/kg sẽ chịu tác động mạnh nhất. Do hàm lượng tro trong loại than này chiếm từ 23 – 25% và hàm lượng lưu huỳnh đạt 0,8 – 1,0%. Trong khi đó, Indonesia sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất từ đề nghị trên nhờ vào hàm lượng lưu huỳnh, tro trong than của quốc gia này ở mức thấp, tuy nhiên, lượng nhiệt của than Indonesia cũng ở mức thấp. Indonesia hiện là nước xuất khẩu than nhiệt lượng dùng trong các lò hơi nhiều nhất thế giới.

Hội đồng khoáng sản Australia cho biết họ đang chờ thông tin chi tiết của đề xuất trên được công bố nhằm chuẩn bị đáp ứng nhưng tiêu chuẩn mới về hàm lượng tro và lưu huỳnh đối với than nhập khẩu vào Trung Quốc. Lượng than nhiệt lượng được Trung Quốc nhập khẩu từ Australia và Nam Phi trong năm 2013 lần lượt đạt 54 triệu tấn và 13 triệu tấn. Phần lớn lượng than này không đáp ứng được những tiêu chuẩn mới về hàm lượng tro và lưu huỳnh theo đề xuất của CNCA.

Hãng tin Reuters dẫn lời một giám đốc doanh nghiệp than lớn cho biết, đề xuất của Trung Quốc có thể sẽ được công bố trong một vài ngày hoặc vài tuần tới; Chính phủ Trung Quốc từ trước đó đã ngầm ám chỉ hạn chế nhập khẩu các loại than chất lượng thấp và cũng nhận thức được cần phải hành động để hỗ trợ ngành than Trung Quốc vượt qua khủng hoảng.

Trong năm 2013, CNCA đã đưa ra đề xuất cấm nhập khẩu than có mức nhiệt lượng dưới 4.540 kcal/kg, hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 1% và hàm lượng tro lớn hơn 25%. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận do những phản đối về mặt kinh tế.

Nhưng với tình trạng hơn 2/3 các nhà khai thác than Trung Quốc hiện đang đối mặt với những khoản lỗ lớn và hơn một nửa các doanh nghiệp đang trì hoãn việc thanh toán lương hoặc cắt giảm lương thì Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ sớm phải ban hành hạn chế nhập khẩu than để trợ giúp ngành than nội địa.

Ngành than Trung Quốc đã chịu tác động mạnh từ tình trạng cung vượt cầu, nhu cầu sử dụng giảm và các quy định môi trường của Chính phủ Trung Quốc. Giá than nhiệt lượng tiêu chuẩn của Trung Quốc đã giảm xuống kể từ cuối năm 2011 và hiện tiệm cận mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, đạt 77,75 USD/tấn.

Nhằm đẩy giá than lên cao, các hãng khai thác than lớn nhất Trung Quốc, gồm có Tập đoàn Shenhua, Tập đoàn than quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn khai thác than Datong đã cắt giảm sản lượng với cam kết giảm sản lượng 10% trong năm 2014.

Trong một cuộc họp ngành than Trung Quốc vào ngày 28/8/2014, Chủ tịch NDRC Lian Weilian cho biết ngành than nước này phải cắt giảm tới 200 triệu tấn trong nửa cuối năm 2014 và thúc giục các chính quyền địa phương Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác không phù hợp tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, NEA – cơ quan phụ trách nghiên cứu và soạn thảo chiến lược năng lượng của Trung Quốc đang nghiên cứu kế hoạch cấm các nhà máy điện nước này sử dụng than có hàm lượng tro vượt mức 16% và hàm lượng lưu huỳnh vượt 1% nhằm bảo vệ môi trường.

Lê Nam (Theo Reuters)