Số liệu mới nhất của Hiệp hội thép thế giới (WSA) công bố ngày 27/11 cho thấy sản lượng thép toàn cầu trong tháng 10/2019 đã giảm 2,8% xuống mức 151,5 triệu tấn. Đáng chú ý, sản lượng thép tại tất cả các khu vực trên toàn cầu đều đã giảm.
Sản lượng thép của Trung Quốc vốn chiếm đến hơn 50% tổng sản lượng thép trên toàn cầu đã ghi nhận mức giảm 0,6% trong tháng 10/2019. Nguyên nhân chủ yếu do Chính phủ Trung Quốc siết chặt hoạt động sản xuất thép nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm trong dịp nước này kỷ niệm 70 năm Quốc khánh trong nửa đầu tháng 10/2019. Chính phủ Trung Quốc cũng áp đặt việc hạn chế sản xuất thép trong những tháng mùa đông, kéo dài đến tháng 3/2019. Tuy nhiên, sản lượng thép của Trung Quốc tính từ đầu năm đến nay đã đạt 746 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động sản xuất thép tăng cao trong nửa đầu năm 2019.
Tại Hoa Kỳ, sản lượng thép trong tháng 10/2019 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018 xuống mức 7,4 triệu tấn. Hoạt động sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong bối cảnh giá thép nội địa Hoa Kỳ giảm gần 40% do tác động từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã áp thuế 25% đối với các mặt hàng thép xuất xứ từ Liên minh Châu Âu, Canada và Mexico.
Sản lượng thép tại khu vực Châu Âu trong tháng 10/2019 đã ghi nhận mức giảm tới 8,7% trong bối cảnh lợi nhuận từ việc sản xuất thép giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng thép của khu vực Châu Âu đã giảm 3,6% so với năm trước, xuống mức 122 triệu tấn.
Sản lượng thép của Ấn Độ - quốc gia sản xuất thép lớn thứ ba thế giới trong tháng 10/2019 đã giảm 3,4% xuống 9,1 triệu tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng thép của Ấn Độ trong năm 2019 đạt 84,2 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thép của Nhật Bản trong tháng 10/2019 đã giảm 5% chủ yếu do các cơn bão khiến hoạt động sản xuất đình trệ. Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng thép của quốc gia này giảm 3,9% xuống 75,6 triệu tấn.
Theo đánh giá mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions, tình trạng giảm sản lượng thép có thể chỉ diễn ra tạm thời. Hãng này dự báo sản lượng thép trên toàn cầu cũng như tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép trong giai đoạn 2019 – 2020 sẽ tăng cao hơn so với năm 2018. Nhu cầu sử dụng thép được dự báo tăng cao trở lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở mức căng thẳng sẽ thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm gia tăng chi tiêu cho hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ áp thuế cao lên các loại thép nhập khẩu sẽ giúp gia tăng nhu cầu đối với các loại thép nội địa và thúc đẩy giá thép nội địa tăng lên, hỗ trợ các nhà sản xuất thép tại Hoa Kỳ.
Theo hãng tư vấn thị trường Fasstmarrkets MB, giá quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% sắt tại Trung Quốc trong ngày 27/11 đạt 87,56 USD/tấn. Trong năm 2019, giá quặng sắt đã tăng mạnh 20% do nguồn cung bị gián đoạn từ đầu năm. Trong khi đó, giá xuất khẩu của than luyện cốc của Australia hiện chỉ đạt 134,30 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn so với thời điểm đầu năm 2019 do tình trạng dư cung và hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc.