Hiện nay trên thế giới đã nghiên cứu ứng dụng rộng rãi sợi I–Skin để sản xuất vải dệt kim và dệt thoi, trong đó vải dệt kim là chính để thiết kế may các sản phẩm may mặc cho dòng sản phẩm quần áo thể thao, quần áo trẻ em, quần áo sát da,... Tùy vào mục đích sử dụng khác nhau, sợi I – Skin có thể dệt một mình, cũng có thể dệt kết hợp với các sợi khác như sợi viscose, bông, polyester, spandex,...
Việc ứng dụng nguyên liệu I–Skin trong ngành dệt may Việt Nam còn rất mới, trong khi các sản phẩm làm từ nguyên liệu này hiện nay đều phải nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Chính vì thế, nghiên cứu nguyên liệu I-Skin, I-Skin pha với một số xơ khác và ứng dụng chúng để sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện có của Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Trước thực tế này, công ty CP - Viện Nghiên Cứu Dệt May đã thực hiện, nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim thành phẩm từ sợi I–Skin, đồng thời phát triển dòng sản phẩm đồ lót từ nguyên liệu này.
ThS. Nguyễn Đức Hóa- Viện Nghiên Cứu Dệt May giải thích, xơ I–Skin là một dạng của viscose biến tính. Xơ viscose biến tính trong sợi I-Skin được sản xuất theo công nghệ sản xuất sợi viscose thông thường. I–Skin có thể pha với các nguyên liệu khác như bông, viscose, len, polyester...
Nghiên cứu đã chứng minh khi đưa ZnO vào dung dịch kéo xơ viscose thì xơ viscose cho các đặc tính như kháng khuẩn tốt và bền qua nhiều lần giặt, khả năng hút ẩm của xơ cao, mềm mại, mịn màng, chống tia cực tím, tia hồng ngoại xa, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.
Với những ưu điểm vượt trội cùng mục tiêu tạo ra các sản phẩm vải dệt kim chất lượng cao, các mẫu vải của đề tài nghiên cứu được dệt từ sợi “I-Skin tỷ lệ pha trộn là 50% bông và 50% I-Skin” cài với sợi spandex để tạo ra tính chất co giãn cho vải rất thích hợp với việc may các sản phẩm quần áo lót và áo T.Shirt. Qua quá trình lựa chọn và xem xét, nhóm nghiên cứu quyết định sử dụng thuốc nhuộm hoạt tính để áp dụng vào sợi I–Skin.
Để xử lý hoàn tất vải dệt kim từ sợi I-Skin cài spandex, công ty CP - Viện Nghiên Cứu Dệt May đã tiến hành các phương án thí nghiệm mẫu nhỏ để xây dựng quy trình tối ưu cho xử lý mẫu lớn.
Các bước công nghệ xử lý thử nghiệm mẫu nhỏ tại Công ty Cổ phần Dệt kim Hanosimex như sau: Văng định hình, tiền xử lý (nấu giặt), nhuộm màu, văng sấy kết hợp hồ mềm kiểm thành phẩm và cuối cùng là đóng gói. Quy trình được thực hiện với các thiết bị như máy nhuộm thí nghiệm Starlet, máy nhuộm Zet, máy vắt ly tâm..
Sau khi sản xuất thành công vải I-Skin, Công ty CP - Viện Nghiên Cứu Dệt May đã giới thiệu sản phẩm vải và các tính chất ưu việt của chúng với thương hiệu thời trang Aristino. Bước đầu sản phẩm đồ lót nam sản xuất thử nghiệm cho khách hàng dùng thử và đã nhận được phản hồi tích cực.
Quá trình thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm cho thấy hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên liệu mới I-Skin vào sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu mới có nhiều tính năng ưu việt.
Có thể nói, với trình độ công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may trong nước có thể sản xuất được các sản phẩm quần áo sát da từ nguyên liệu I-Skin đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ dệt may mới và tiềm năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.