Thật không quá lời khi nói Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (công suất 1244 MW) là nơi “đầu sóng ngọn gió” của EPS, bởi Nhà máy này là nơi đặc biệt quan trọng trong Hệ thống Điện tại phía Nam, nhất là vào cao điểm mùa khô năm 2017.
Chính vì thế, Ban Lãnh đạo EPS luôn dành sự quan tâm đặc biệt khi chỉ đạo sát sao mọi hoạt động sửa chữa tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Bởi đảm bảo được chất lượng sửa chữa tại đây cũng là góp phần quan trọng đảm bảo vận hành phát điện liên tục, khả dụng và an toàn cho Nhà máy và cho toàn miền Nam. Câu chuyện sau đây chúng tôi xin được kể lại như để tôn vinh một nét văn hóa và tinh thần đặc sắc của EPS đã và đang được phát triển từ Vĩnh Tân.
Vào tháng 12/2016, trong hệ thống phát điện của tổ máy S1 (Công suất 622MW) - Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, một trong 2 động cơ turbine dẫn động bơm cấp nước cho lò hơi đã xảy ra sự cố nghiêm trọng và không thể vận hành khả dụng. Gần như ngay lập tức, EPS đã cử đội chuyên gia phối hợp cùng với nhà thầu SEC (nhà thầu lắp đặt Nhà máy) và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân để cùng tìm giải pháp sửa chữa. Đây được xem là một sự cố rất lớn về thiết bị, ảnh hưởng trực tiếp đến công suất phát điện khả dụng của Nhà máy, vì khi một bơm nước cấp ngừng hoạt động thì công suất phát điện của tổ máy giảm tương ứng 20%, xấp xỉ 120MW. Trong điều kiện trên, toàn miền Nam đang vào mùa khô, tình trạng thiếu điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, ban lãnh đạo EPS xác định cần phải xử lý sự cố này càng nhanh càng tốt.
Theo kết quả khảo sát lúc đó thì tình trạng hư hỏng động cơ của nhóm chuyên gia EPS và SEC, bước đầu xác nhận động cơ bị cong trục do quá nhiệt. SEC đề nghị chuyển thiết bị về trung tâm sửa chữa của SEC ở Trung Quốc để phục hồi. Tuy nhiên, để đáp ứng gấp rút việc cung ứng điện phục vụ mùa khô 2017, EPS đã đưa ra một quyết định được xem là “mạo hiểm”, đó là sẽ xử lý sự cố này bởi những con người của EPS và ngay tại các phân xưởng của EPS. Đây là động cơ dạng turbine với công nghệ tiên tiến và hiện đại, có công suất thiết kế là 11 MW, được vận hành bằng hơi nước có áp suất và nhiệt độ cao. Vì vậy, công tác xử lý cong trục phải được thực hiện bằng công nghệ sửa chữa kỹ thuật cao và trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên, rotor turbine được tháo ra và di chuyển từ Nhà máy điện Vĩnh Tân về Phân xưởng của EPS tại Phú Mỹ để kiểm tra đánh giá toàn diện mức độ hư hỏng. Tiếp đến, rotor được đặt trên máy tiện lớn để gia công sửa chữa khắc phục độ cong trục. Công đoạn tiếp theo là cân bằng động rotor tại xưởng ở tốc độ thấp để khắc phục sơ bộ tình trạng mất cân bằng động của bản thể rotor.
Công đoạn cuối cũng là
công đoạn quan trọng và phức tạp nhất, đó là xử lý rung cho rotor trong tình trạng
vận hành thực tế của hệ thống cấp nước cho lò hơi. Tại công đoạn này, rotor đã
được lắp vào hệ thống, vận hành bằng hơi nước ở tốc độ thiết kế là 6000
vòng/phút và công suất 11MW. Trên công trường, nhóm chuyên gia của EPS phải làm
việc cật lực, không kể ngày đêm. Gần như toàn bộ trí tuệ, tâm huyết của EPS dồn
hết cho công đoạn này.
Anh Lê Trung Kiên - Cán bộ trực tiếp tiến hành công tác phân tích dữ liệu xử lý rung, đã không giấu được niềm hạnh phúc cho biết:“Nhiều khi rất áp lực do phải đảm bảo hoàn thành tiến độ đã cam kết với Tổng công ty và phải làm việc liên tục ngày đêm, mọi người đều mệt mỏi nhưng thấy các anh em công nhân đã không nề hà khó khăn, lăn xả hết sức để kịp hoàn thành công tác và tinh thần tìm tòi học hỏi không ngừng của đội ngũ kỹ sư, tôi thấy rất hãnh diện khi được chung vai cùng với đội ngũ chuyên nghiệp như thế”. Sau 20 ngày đêm lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, với áp lực về thời gian, uy tín và công tác yêu cầu cao về mức độ phức tạp, nhóm công tác cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua thử nghiệm, độ rung của động cơ luôn ổn định dưới mức báo động 75 µm và đến nay, sau 2 tháng vận hành, độ rung vẫn đang được duy trì rất tốt, đảm bảo vận hành liên tục khả dụng cho toàn nhà máy.
Qua bài học xử lý thành công sự cố trên, EPS đang tiếp tục khẳng định trình độ và tinh thần dám đương đầu với khó khăn của những “người thợ sửa chữa EPS”. Sự quyết tâm, đoàn kết đồng sức đồng lòng không quản ngại gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là minh chứng cho một câu nói bất hủ của nhà văn Robert H. Schuller “Khó khăn không trường tồn, chỉ có con người cứng rắn trường tồn”.