Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,53 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực và mặt hàng có lợi thế so sánh tăng khá
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng ước đạt 259,7 tỷ USD, tuy vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 4,6% so với cùng kỳ trước. Đây là xu hướng tích cực sau 3 tháng giảm sâu gần đây (tháng 6 giảm 13,8%; tháng 7 giảm 3,4%; tháng 8 giảm 7,6%). Trong đó, khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đều đạt tăng trưởng dương, tương ứng là 17,9%; và 0,5% (kể cả dầu thô).
Điểm sáng tích cực của hoạt động xuất khẩu trong tháng 9/2023 thể hiện qua hai khía cạnh.
Thứ nhất, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá. Cụ thể, xuất khẩu rau quả tháng 9 tăng 160% và 9 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; xuất khẩu hạt điều tháng 9 tăng 39,6% và 9 tháng ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3%; xuất khẩu gạo tháng 9 tăng 80,4% và 9 tháng ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 40,4%...
Thứ hai, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng dương trong tháng 9/2023. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,1%, nâng giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 41,2 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 3%, đưa kim ngạch 9 tháng đạt 39 tỷ USD. Riêng 2 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 31% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tính chung 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,21 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 229,22 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 20,6 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 6,64 tỷ USD, chiếm 2,6%.
Nhập khẩu cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
Tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hoá khi tốc độ tăng trưởng của tháng 9/2023 tăng dương 2,6% sau nhiều tháng giảm sâu (tháng 6 là -14,5%; tháng 7 là -9,9%; tháng 8 là -8,3%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đã tăng 7% (tháng 6 là -17,8%; tháng 7 là +0,4%; tháng 8 là -1,7%); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3% (tháng 6 là -12,5%; tháng 7 là -15,4%; tháng 8 là -11,6%).
Nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện trong tháng 9/2023 cũng tăng 31,1% so với cùng kỳ (9 tháng ước đạt 63 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2% (9 tháng ước đạt 30,5 tỷ USD). Riêng 02 mặt hàng này chiếm đến 39,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Xét theo quý cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng phục hồi. Trong đó về xuất khẩu, quý II tăng 8,1% so với quý I; quý III tăng 10,3% so với quý II. Về nhập khẩu, quý II tăng 4% so với quý I; quý III tăng 11% so với quý II.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%.
Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 223,08 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 14,91 tỷ USD, chiếm 6,3%.
9 tháng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 70,9 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 60,7 tỷ USD giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,5 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 36,9 tỷ USD, giảm 26,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, giảm 29,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,7 tỷ USD, giảm 39,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2023 ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 37,94 tỷ USD.
"Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm", đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.