Sau quyết định mạnh tay nhất, thu phí tự động không dừng vẫn ì ạch, Chính phủ yêu cầu “Siêu Ủy ban” vào cuộc

Đã có 5 văn bản thúc giục Bộ Giao thông vận chỉ đạo VEC nhanh chóng thực hiện, nhưng thu phí không dừng tại các tuyến đường BOT vẫn chậm, Chính phủ đã yêu cầu “Siêu Ủy ban” vào cuộc.
Sẽ dừng thu phí nếu không chuyển sang thu phí tự động không dừng
Nhà đầu tư BOT phải dừng thu phí nếu không chuyển sang thu phí tự động không dừng

 

Nhùng nhằng thu phí không dừng

Việc triển khai thu phí điện tử tự động không dừng tại các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý là một nội dung được Chính phủ và Quốc hội hết sức quan tâm. Từ 2017 đến nay đã có 5 văn bản thúc giục Bộ Giao thông vận tải và VEC nhanh chóng thực hiện hình thức thu phí văn minh, tiện lợi này.

Mở đầu là Quyết định 07 ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện việc thu phí tự động không dừng.

Tiếp đó là Nghị quyết số 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải áp dụng công nghệ tiên tiến (thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng).  Nghị quyết này cũng “chốt” thời gian “Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”.

Ngày 27/2/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 06 Đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ theo hình thực điện tử tự động không dừng. Trong đó giao cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC phối hợp với nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo nguyên tắc chỉ sử dụng 1 công nghệ thu phí dịch vụ sử dugj đường bộ điện tử tự động không dừng thống nhất trên toàn quốc.

Ngày 15/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Công điện 849, trong đó đưa ra biện pháp mạnh nhất “Yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng”.

Dường như biện pháp mạnh tay trong câu chuyện này là cần nhưng chưa đủ. Bởi trước đó, đã một “tối hậu thư” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra với 4 nhà đầu tư BOT trên QL1 và QL14 rằng sẽ phải tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 10/7 nếu không hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Nhưng sau đó, Tổng cục Đường bộ phải rút lại “tối hậu thư” vì các nhà đầu tư BOT không đồng ý với tỷ lệ từ 2 - 4,5%, thậm chí 7% doanh thu mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ tự động không dừng.

Sẽ về đích đúng hạn?

Tuy nhiên, chắc chắn đó không phải là nguyên nhân chính. Lý do cơ bản hơn, có lẽ nằm ở sự giao thời trong quản lý nhà nước. Từ tháng 9 năm 2018, VEC đã chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thường được biết đến với tên gọi “Siêu Ủy ban”. Có lẽ vì thế, tầm với trong chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải đối với VEC có “hẹp” đi chăng?

Hướng dẫn dán thẻ cho thu phí tự động không dừng
Dán thẻ cho taxi để thực hiện thu phí tự động không dừng

 

Trên thực tế, việc triển khai thu tự động không dừng hết sức chậm, mới chỉ có khoảng 700 nghìn trên 3,5 triệu phương tiện dán thẻ (điều kiện để thực hiện thu phí không dừng); đã vậy, tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm còn thấp hơn, khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.

Trong một động thái mới nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai thu phí điện tử tự động không dừng. Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, đạt kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì thế, trong văn bản chỉ đạo, bên cạnh nhắc nhở Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, còn yêu cầu “Siêu Ủy ban” vào cuộc: “Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; chỉ đạo VEC có kế hoạch sớm chuyển các trạm thu phí trên các tuyến đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng”; “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng”.

Sau văn bản chỉ đạo này, liệu việc triển khai thu phí điện tử tự động không dừng có khẩn trương hơn, về đích đúng thời hạn theo chỉ đạo của Chính phủ, trước ngày 31/12/2019? Chúng ta hãy chờ xem!

Hào Nam