Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới neo ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và thoả thuận nâng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ vốn được áp dụng từ tháng 7/2021 sẽ hết hạn trong vòng 3 tháng tới, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để đề cập đến một thoả thuận khai thác mới.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Theo thoả thuận, các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ sẽ nâng tổng sản lượng khai thác mỗi tháng thêm 430.000 thùng/ngày kể từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua, sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã giảm mạnh từ khoảng 11 triệu thùng/tháng trong tháng 3/2022 xuống còn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022.
Bên cạnh đó, một số quốc gia thành viên khác gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác, khiến mức sản lượng thực tế thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Bất chấp các sức ép từ phương Tây, liên minh OPEC+ đã nhiều lần cho biết sẽ chỉ nâng sản lượng khai thác theo lộ trình từ trước. Căng thẳng nguồn cung đã đẩy giá dầu thô trên toàn cầu có lúc chạm ngưỡng 140 USD/thùng trong tháng 3/2022; đây là mức cao nhất kể từ hồi năm 2008. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 45%.
Trong buổi phỏng vấn, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh liên minh OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng nếu nhu cầu trên thị trường tăng lên. Ông Abdulaziz bin Salman cũng nhấn mạnh liên minh OPEC+ cần được độc lập với các vấn đề chính trị và “thế giới nên đánh giá cao vai trò” của liên minh OPEC+.
Theo ông Abdulaziz bin Salman, tình trạng thiếu công suất lọc dầu trên toàn cầu và vấn đề thuế mới là nguyên nhân chính khiến giá nhiên liệu trên thế giới tăng vọt. Trong đó, yếu tố quyết định giá nhiên liệu trên thị trường hiện nay là công suất của các nhà máy lọc hoá dầu. Ít nhất trong 3 năm qua, công suất lọc dầu của thế giới đã giảm khoảng 4 triệu thùng, trong đó có 2,7 triệu thùng giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Do đó, liên minh OPEC+ cần tiến hành các "điều chỉnh có trật tự" trong tương lai, trong bối cảnh chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu đối mặt với triển vọng không chắc chắn và Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vẫn theo đuổi chiến lược phòng chống dịch “Không ca nhiễm Covid-19” (Zero Covid), theo ông Abdulaziz bin Salman.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khuyến nghị ngay cả khi các quốc gia chuyển sang các nguồn năng lượng sạch thì vẫn cần khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ để tháo gỡ nút thắt trong sản xuất và nâng công suất lọc dầu.