SK Group sẽ thoái vốn, không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Vingroup (VIC)

Quỹ SK Investment Vina II, đơn vị thành viên của SK Group (Hàn Quốc), sẽ chuyển nhượng hơn 50,8 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup.
SK Group
Trước khi thoái vốn khỏi Tập đoàn Vingroup, SK Group cũng đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Masan và đang có kế hoạch bán lượng lớn cổ phần tại Dược phẩm Imexpharm.

Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC - sàn HoSE) vừa cho biết quỹ SK Investment Vina II sẽ chuyển nhượng hơn 50,8 triệu cổ phiếu VIC trong khoảng thời gian từ 16/1-14/2/2025 với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Qua đó, tỷ lệ sở hữu của SK Investment Vina II tại Tập đoàn Vingroup sẽ giảm từ 6,05% xuống còn 4,72% vốn cổ phần và không còn là cổ đông lớn. SK Investment Vina II là đơn vị thành viên của SK Group - chaebol lớn thứ 3 tại Hàn Quốc (sau Samsung và LG).

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Theo chúng tôi được biết, việc SK Group bán cổ phần lần này đã nằm trong chiến lược hoạch định lại danh mục đầu tư của đối tác tại các thị trường quốc tế nói chung. SK Group vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng thị trường Việt Nam nói chung và Tập đoàn Vingroup nói riêng với đa dạng cơ hội kinh doanh và vị thế dẫn dắt trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Đối với Tập đoàn Vingroup, SK Group vẫn là đối tác quan trọng. Hai bên vẫn đang trao đổi về một số cơ hội hợp tác nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển trong thời gian tới”.

Mối quan hệ giữa Tập đoàn Vingroup và SK Group được xác lập vào năm 2019 khi hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Tại thời điểm này, SK Group đầu tư khoảng 1 tỷ USD để mua cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup, gồm 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Tập đoàn Vingroup và nhận chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu từ VinCommerce (nay là WinCommerce), với giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi hoàn tất thương vụ trên, SK Group trở thành cổ đông nước ngoài nắm giữ 6% vốn điều lệ của Tập đoàn Vingroup và vốn điều lệ của Tập đoàn Vingroup đã tăng tương ứng lên mức gần 34.299 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu VIC Tập đoàn Vingroup
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Chuẩn bị tái niêm yết, Vinpearl mua lại trước hạn 425 triệu USD trái phiếu quốc tế" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Từ năm ngoái, trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các đồn đoán về việc SK Group thoái vốn, tái cơ cấu các khoản đầu tư vào một số đối tác lớn tại Việt Nam. Thông tin này đã phần nào ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết nằm trong danh sách đầu tư của SK Group.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh SK Group đang trong quá trình tái cơ cấu và tái hoạch định lại chiến lược kinh doanh. Tập đoàn này kỳ vọng thu có thể thu về khoảng 1.000 tỷ won (hơn 15.800 tỷ đồng) thông qua việc xử lý các khoản đầu tư không cốt lõi để đảm bảo dòng tiền.

Trước thương vụ thoái vốn khỏi Tập đoàn Vingroup, tháng 11/2024, SK Group đã chuyển nhượng thành công 76 triệu cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan thông qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại Tập đoàn Masan chỉ còn 3,67% vốn điều lệ và qua đó không còn là cổ đông lớn.

SK Group cũng chuyển nhượng 7,1% cổ phần WinCommerce (WCM) cho Tập đoàn Masan với giá 200 triệu USD.

Ngoài ra, SK Group cũng đang xem xét bán 65% vốn tại Công ty Cổ pần Dược phẩm Imexpharm (mã cổ phiếu IMP). Theo tìm hiểu, tập đoàn này đang làm việc với một cố vấn tài chính về thương vụ trên.

Duy Quang