
Chia sẻ tại Hội thảo Nhà đầu tư 2025 do Chứng khoán Rồng Việt tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Phương Chi - Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Quan hệ Nhà đầu tư Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã cổ phiếu STK - sàn HoSE) nhấn mạnh xây dựng chuỗi giá trị xanh, tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, là chìa khóa giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ giữ vững thị phần mà còn có cơ hội dẫn đầu làn sóng tái cấu trúc cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện các tiêu chí ESG - xu hướng ngày càng được siết chặt tại EU và Mỹ.
Theo đó, Sợi Thế Kỷ đã và đang tăng cường đầu tư vào sợi tái chế và sợi màu - giúp giảm nhu cầu nhuộm, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Hiện công ty đang triển khai Giai đoạn 1 - Nhà máy Unitex với công suất 36.000 tấn/năm tại tỉnh Tây Ninh. Sản phẩm chính của nhà máy là các loại sợi thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế như hạt nhựa PET chip tái chế từ chai nhựa đã qua sử dụng.
Khi đi vào hoạt động trong thời gian tới đây, nhà máy sẽ giúp nâng tổng công suất của Sợi Thế Kỷ lên gấp 1,5 lần, đạt 99.000 tấn/năm, củng cố vị thế là một trong những doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sợi tổng hợp hàng đầu. Đồng thời, dự án giúp công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các khách hàng về việc sử dụng nguyên liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khách hàng chính của Sợi Thế Kỷ là các doanh nghiệp FDI (chiếm 70%) đặt nhà máy tại Việt Nam và các nhà máy dệt có trụ sợ tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản (chiếm 17%). Ngoài ra, công ty cũng cung cấp trực tiếp sản phẩm cho các thương hiệu đồ thể thao hàng đầu như Nike, Adidas, Lululemon,...

Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng đóng góp của sợi tái chế trong tổng doanh thu ở mức cao 45% và nâng lên mức 60 - 70% khi tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của Nhà máy Unitex và thành lập Liên minh sợi-dệt-may trong giai đoạn 2026 - 2028.
Bà Nguyễn Phương Chi cũng cho biết, Sợi Thế Kỷ đang đẩy mạnh nghiên cứu và thương mại hóa sợi chức năng đặc biệt, vừa có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường nhờ sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc sợi màu.
Trong năm ngoái, công ty đã thử nghiệm thành công các loại sở như COOL FEEL, 8-mountain-flat (sợi có tính năng mờ đặc biệt, giống lông thú và nhanh khô), sợi chập spandex, sợi 5-trong-1 (có các tính năng như mát, chống tia cực tím, chống dính, nhanh khô, hút ẩm)… và dự kiến sẽ thương mại hoá các sản phẩm này trong thời gian tới.
Về định hướng kinh doanh, Giám đốc Chiến lược Sợi Thế Kỷ cho biết, một trong những định hướng chiến lược nổi bật mà công ty theo đuổi là xây dựng chuỗi cung ứng khép kín với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn.
“Đây được xem là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro thuế quan, chủ động hơn trong điều phối sản xuất - xuất khẩu, đồng thời đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về nguồn gốc và xuất xứ trong các FTA mới”, bà Nguyễn Phương Chi nói.
Tuy nhiên, đại diện Sợi Thế Kỷ cho rằng việc hiện thực hóa mục tiêu này vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan điều hành, không chỉ dừng lại ở việc phòng vệ thương mại (như thuế chống bán phá giá), mà còn mở rộng sang chính sách thuế nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và ưu đãi đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước.
Cũng tại Hội thảo, trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư về vấn đề chính sách thuế quan, bà Nguyễn Phương Chi cho biết Sợi Thế Kỷ đã dự phóng 3 kịch bản liên quan đến mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng cho hàng hoá Việt Nam và công ty đã có các giải pháp tương ứng nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
“Dù là kịch bản nào xảy ra, chúng tôi cho rằng ngành dệt may Việt Nam vẫn còn những lợi thế để duy trì sức cạnh tranh và gia tăng thị phần tại các thị trường trọng điểm, lớn khác như EU và Nhật Bản - hai thị trường đang có tốc độ tăng trưởng đơn hàng khá tốt. Đặc biệt, việc Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp hàng dệt may được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang hai thị trường này”, Giám đốc Chiến lược Sợi Thế Kỷ nói.
Hội thảo Nhà đầu tư 2025 với chủ đề “Chiến lược đầu tư trong bối cảnh mới” là sự kiện quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Chứng khoán Rồng Việt tổ chức, quy tụ gần 500 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cùng đại diện các doanh nghiệp niêm yết đầu ngành. Với chủ đề “Chiến lược đầu tư trong bối cảnh mới”, chương trình đã mang đến những phân tích sâu sắc về xu hướng kinh tế vĩ mô, dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, nhận định thị trường chứng khoán và cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2025.