Lâu nay, mỗi khi tiến hành sửa chữa hoặc đấu nối trên hệ thống lưới điện, ngành Điện buộc phải cắt điện, làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng điện của khách hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sửa chữa và bảo trì hệ thống với các thao tác trực tiếp trên lưới nhưng không cắt điện đã được Công ty Điện lực Bắc Kạn (PC Bắc Kạn) đẩy mạnh thực hiện. Đây không chỉ là bước chuyển mình trong việc áp dụng công nghệ hiện đại mà còn thể hiện rõ cam kết nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng của Công ty.
Sửa chữa điện nóng - Công việc nhiều nguy hiểm:
PC Bắc Kạn được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành lưới điện gồm các cấp điện áp 0,4 kV, 22 kV, 33 kV và 110 kV. Do lưới điện đi qua nhiều khu vực đồi núi với địa hình phức tạo nên công tác thi công hotline gặp phải rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, vượt qua mọi thách thức, từ năm 2020 đến nay, PC Bắc Kạn đã phối hợp với Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thái Nguyên, Công ty Điện lực Bắc Ninh và Công ty Điện lực Phú Thọ để triển khai thực hiện đấu nối thành công 11 công trình trên lưới điện 22 kV tại 18 vị trí hotline.
Là cán bộ phụ trách công tác truyền thông PC Bắc Kạn, tôi may mắn có nhiều cơ hội được theo chân các đồng nghiệp của mình tham gia thực hiện đấu nối công trình để có thể chiêm nghiệm được đầy đủ nhất nỗi nhọc nhằn và cả sự hiểm nguy trong công việc của người thợ điện “hotline”.
Còn nhớ, có lần PC Bắc Kạn tổ chức thực hiện đấu nối hòa lưới điện các TBA Minh Khai 11, TBA Sông Cầu 19, TBA Huyền Tụng 7, TBA Chí Kiên 14 (khu vực Tp. Bắc Kạn) bằng phương pháp đấu nối hotline. Giữa cái nắng cháy da, cháy thịt, các công nhân sửa chữa điện nóng vẫn miệt mài chuẩn bị thực hiện sửa chữa trên tuyến đường dây 22 kV.
Khác với những lần trước đó, mỗi khi thực hiện thao tác trên lưới điện, đơn vị sửa chữa phải đến kiểm tra, làm thủ tục cắt điện mới được tiến hành làm việc. Sau khi sửa chữa xong phải thông báo đóng điện, thì lần này, các công nhân đã làm việc trực tiếp ngay trên lưới có điện một cách nhanh chóng, kịp thời.
Chiếc xe gàu cách điện nhanh chóng đưa hai nhân viên sửa chữa tiến tới đường dây mang điện cách mặt đất hơn chục mét. Họ được trang bị găng tay, vai áo cao su cách điện 22 kV, mũ, giày bảo hộ và các dụng cụ lao động khác. Đứng ở vị trí ấy rất nguy hiểm, nên họ phải là những người thợ can đảm, có đầy đủ sức khỏe, vững vàng về tâm lý, ý thức kỷ luật cao và luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình lao động.
Ông Hồ Văn Nghĩa - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật PC Bắc Kạn chia sẻ: “Khi đã lên cột sửa chữa điện hotline thì nhất cử, nhất động của người công nhân phải nằm trong tầm kiểm soát, không được phép thao tác thừa. Sửa chữa điện nóng phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc. Bởi, chỉ cần vươn mình ra khỏi vùng an toàn là có thể nguy hiểm tới tính mạng. Do vậy, dù đã bọc lớp cách điện nhưng quan trọng hơn vẫn là sự tập trung và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp của người thợ điện”.
Bằng những đôi bàn tay khéo léo và thuần thục nên toàn bộ công việc đấu nối trên lưới điện được những công nhân ngành Điện Bắc Kạn hoàn thành chỉ sau hơn nửa giờ đồng hồ. Bước ra khỏi gàu xe, khuôn mặt đỏ lựng, những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt các anh đã khiến cho tôi cảm nhận được rõ nét sự vất vả của người thợ điện hotline.
Một công nhân cho biết: Việc sửa chữa trên đường dây hotline thì có rất nhiều, như: Thay sứ, vệ sinh rửa sứ bằng nước cách điện áp lực cao, bảo dưỡng, xử lý sự cố, bảo trì hệ thống điện… Trong đó, đấu nối dây trực tiếp đang mang điện là công việc cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi người thợ phải có sự tập trung và chuyên môn kỹ thuật cao. Những thiết bị tuyệt đối an toàn được trang bị, cùng với việc được tham gia các lớp đào tạo nâng cao tay nghề sửa chữa hotline theo chương trình của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, đến nay, anh em chúng tôi đã tự tin thực hiện công việc một cách thuần thục”.
Chất lượng cung ứng điện ngày một hoàn hảo:
Sau hơn hai năm chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, đến nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Dự báo kinh tế địa phương sẽ tiếp đà phát triển mạnh và nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tiếp tục tăng lên.
Điều này đồng nghĩa với việc PC Bắc Kạn phải thường xuyên thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện và đấu nối phát triển thêm các phụ tải. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ sửa chữa hotline trên đường dây đang mang điện đã và đang giúp giảm đáng kể các đầu việc cắt điện để thay thế sửa chữa trên lưới điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các khách hàng trên địa bàn.
Bà Hoàng Thị Mười - Chủ cơ sở sản xuất miến dong Triệu Thị Tá (thôn Nà Viễn, xã Yến Dương, huyện Ba Bể) đánh giá: Cơ sở của chúng tôi sản xuất khoảng gần 100 tấn miến dong mỗi năm với sản lượng tiêu thụ điện khá lớn. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Những năm qua, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm và hết mình vì khách hàng của ngành Điện Bắc Kạn.
Đơn vị luôn cung ứng đủ điện và hạn chế tới mức thấp nhất thời gian mất điện. Ngoài ra, mỗi khi chúng tôi nhấc điện thoại gọi đề nghị hỗ trợ, sửa chữa, bảo dưỡng, khắc phục sự cố điện… thì ngay lập tức, công nhân Điện lực có mặt, bất kể ngày nắng hay mưa. Tôi rất hài lòng về sự phục vụ nhiệt tình của PC Bắc Kạn đối với khách hàng”.
Ông Ngô Văn Gia - Phó Giám đốc PC Bắc Kạn cho biết: Với phương châm khách hàng là trung tâm và phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên ba trụ cột là “Con người - Quy trình - Công nghệ”, trong những năm qua, Công ty đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Đặc biệt, việc đấu nối, sửa chữa, vệ sinh trên đường dây đang mang điện đang là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo việc cung ứng điện ổn định cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị trên địa bàn tỉnh và sinh hoạt của người dân. Đây không chỉ là bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho khách hàng mà còn thể hiện rõ việc PC Bắc Kạn thực hiện cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ”./.