Làm giầu từ đá

Mồ hôi toát nhễ nhại nhưng chị vẫn nhẹ nhàng giới thiệu cho khách hàng về những sản phẩm làm từ đá tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của Cơ sở Đá Ngọc Đạt trong “Hội chợ triển lãm quốc tế hàng tiêu dù
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên anh hùng có truyền thống lòng yêu nước (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc), trong thời buổi còn nhiều khó khăn, chị Lê Thị Lan mong muốn được góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương. Ngẫm rằng, sự nghiệp trồng người là một sự nghiệp cao cả bằng việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, nên khi ra trường chị đã chọn nghề dạy học. Gắn bó với ngành Giáo dục hơn 30 năm, chị đã đưa biết bao chuyến đò sang sông, học trò của chị bây giờ nhiều người đã thành danh như chị mong ước. Về hưu ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến chị có nhiều trăn trở... Điều đó đã thôi thúc chị quyết tâm tìm cách làm giàu.

Thấy nghề làm đá ở quê hương đang có nhiều tiềm năng, tài nguyên đá phong phú, vùng đá ở Tây Nguyên là đá quý, có nhiều giá trị cho người sử dụng, ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Do vậy, chị quyết tâm mở cơ sở sản xuất có quy mô để xây dựng một tương lai bền vững cho gia đình.

Nghĩ vậy, chị bàn với gia đình huy động hết nguồn lực vốn và mạnh dạn vay ngân hàng để làm ăn, nhưng cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng. Mặc dù vậy, chị vẫn bắt tay vào mua sắm máy móc, thuê nhân công lao động, thành lập Cơ sở Sản xuất đá mỹ nghệ Ngọc Đạt. Ban đầu, việc kinh doanh gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn và kỹ thuật chế tác đá. Với tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, cảm thông và tình cảm hòa hợp, yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình, chị đã chiến thắng tất cả, mọi khó khăn đều được giải quyết. Không có nhiều vốn, chị tận dụng hết những nguyên liệu đá khai thác được để sản xuất, đá lớn làm đồ lớn, đá nhỏ làm những đồ nhỏ, như nhẫn, vòng cổ, trứng đá..., sản xuất đến đâu chị đem đi bán đến đó để lấy vốn quay vòng mua nguyên vật liệu sản xuất.

Làm công việc chế tác đá phải cần có sức khoẻ vì công việc này nặng nhọc, đòi hỏi người thợ phải có lòng kiên nhẫn, sự khéo léo, cẩn thận và tỉ mỉ nên nhiều người không thể bám trụ được với nghề, hiểu được tâm lý đó, bằng tình cảm, chất giọng ngọt ngào, ấm áp mà chị có được khi làm nghề giáo, chị đã khéo léo động viên nhân công của mình, để họ thêm yêu nghề và lao động tốt. Không phụ công của bà chủ nhân hậu, những người thợ thủ công đã cố gắng học hỏi, rèn luyện. Bằng những đôi bàn tay khéo léo, dần dần những người thợ thủ công đã tạo ra các sản phẩm vô cùng tinh tế, có hoa văn, chi tiết rõ ràng và nhất là các sản phẩm đều giữ được màu sắc tự nhiên vốn có của tạo hóa, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật mà xã hội cần từ những khối đá sần sùi, xấu xí.

Để công việc kinh doanh tốt hơn, chị Lan đã tìm tòi đọc thêm các sách, báo và học hỏi những đồng nghiệp của mình về giá trị và ý nghĩa của các loại đá. Chị hiểu rằng, đá cũng có giá trị rất lớn đối với đời sống tâm linh của con người, nếu biết cách sử dụng, đá có thể trừ tà khí, giúp con người giải tỏa được những lo âu phiền muộn, đem lại may mắn cho người sử dụng. Tìm hiểu về đá, chị lại càng đam mê nó. Sau 2 năm, vừa mải miết kinh doanh buôn bán, vừa học hỏi, giờ đây ý nghĩa của từng loại đá đã được chị nắm rõ trong lòng bàn tay, có thể tư vấn cho khách hàng của mình mọi điều liên quan tới đá và khuyên họ nên dùng đá nào thì phù hợp.

Bằng tài năng và sức thuyết phục của chị, Cơ sở Đá mỹ nghệ Ngọc Đạt ngày càng có danh và “tiếng lành đồn xa”, Cơ sở Đá Ngọc Đạt chiếm được sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan tỉnh Đắk Lắk. Nhận được sự quan tâm đó, trong đó có sự giúp đỡ của Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắc trong việc hỗ trợ, tư vấn cho chị tham gia vào các hội chợ, triển lãm, như “rồng gặp mây”, chị đã chớp lấy cơ hội quảng bá sản phẩm. Không quản ngại đường xá xa xôi, chị đem hàng đi quảng bá khắp nơi từ Bắc vào Nam. Qua những lần tham dự hội chợ, chị đã học hỏi được cách kinh doanh buôn bán và kết thân được với nhiều đối tác, khách hàng trên khắp cả nước, các đơn hàng cứ thế kéo về cơ sở kinh doanh của chị. Cuộc sống của gia đình chị ngày càng khấm khá. Với số vốn đầu tư ban đầu cho Cơ sở làm đá mỹ nghệ chỉ hơn 100 triệu đồng nay con số này đã sinh sôi lên đến hàng tỷ đồng. Cơ sở của chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Có được thành quả như ngày hôm nay, chị không quên những mảnh đời bất hạnh, hàng năm, chị đều tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động nhân đạo từ thiện của địa phương, sống chan hòa vui vẻ với hàng xóm, bạn bè. Nhờ sự nỗ lực của mình, chị Lê Thị Lan đã được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và những phần thưởng cao quý khác.

Chị Cải Thị Thanh Hương - cán bộ Liên minh Hợp tác xã Đắk Lắk nhận xét: “Chị Lê Thị Lan là một người chịu khó, hòa đồng với chị em và giúp đỡ nhiều người trong việc kinh doanh buôn bán. Chị còn là người rất tích cực tham gia vào công tác xã hội. Chị em trong Liên minh HTX ai cũng yêu mến chị ấy…”.

Chị Lan cho biết, mặc dù công việc kinh doanh đang gặp nhiều thuận lợi nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai. Chị tâm sự: “Tôi muốn mở rộng kinh doanh các mặt hàng đá để xuất khẩu nhưng một phần vì thiếu vốn nên rất khó, một phần vì Nhà nước còn đánh thuế cao các mặt hàng đá, việc cấp các thủ tục có liên quan tới sản xuất kinh doanh đá còn nhiều phức tạp, khó khăn”. Chị Lan đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất đá. Bộ Công Thương nên tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ cũng như hoạt động xúc tiến thương mại để những người kinh doanh như chị có cơ hội giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho việc kinh doanh, buôn bán được thuận lợi hơn, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương hơn nữa.