Xuất khẩu lao động: Một năm vượt khó

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2012 có 80 nghìn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 89% kế hoạch. Trong số này có 26,8 nghìn lao động là nữ giới. Không hoàn thành

Mục tiêu về xuất khẩu lao động năm nay đã không cán đích, bởi chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong năm 2012 là 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2011, chúng ta đưa được hơn 88 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lý giải về điều này, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho biết, nguyên nhân trước hết là do Hàn Quốc, một thị trường tốt, thu nhập cao đã tạm đóng cửa từ tháng 10 do phía bạn đề nghị tạm dừng để giải quyết vấn đề lao động cư trú bất hợp pháp. Hiện có hơn 15 ngìn lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng làm việc tại đây ở lại không về nước.

Ông Hải cũng cho rằng, Malaysia là thị trường lao động Việt Nam nên lưu ý bởi có nhiều hợp đồng khá tốt, thu nhập khoảng từ 3 đến 8 triệu Việt Nam đồng mỗi tháng. Từ ngày 1-1-2013, phía Malaysia sẽ thực hiện luật lương tối thiểu nên thu nhập sẽ cao hơn. Năm nay mới có khoảng 10 nghìn lao động sang làm việc, bằng 1/3 so với năm ngoái. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản, Đài Loan vẫn ổn định với số lượng không nhiều, như Nhật Bản: hơn 8.700 tu nghiệp sinh, Đài Loan: 30 nghìn lao động. Một thị trường cần quan tâm là Libya. Sau khi tình hình chính trị ở quốc gia này tạm ổn định, đã có 615 Việt Nam trở lại làm việc.

Ông Hải nhấn mạnh, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là đào tạo cho lao động xuất khẩu. Điều này cũng giống như xuất khẩu hàng hoá, chất lượng “hàng hoá nguồn nhân lực” không tốt thì khó có thể cạnh tranh.

Chất lượng lao động tốt thể hiện qua ba yếu tố: ngoại ngữ, kỹ năng - tay nghề, kinh nghiệm - tác phong nghề nghiệp. Lao động đi làm việc ở nước ngoài ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có điều kiện tích luỹ hành trang chuyên môn cho mình. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nên kết hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong nước cũng như đối tác ở nước ngoài để đào tạo. Đặc biệt, người lao động cũng phải đáp ứng yêu cầu về sức khoẻ. Bên cạnh tiêu chí về ngoại ngữ, kỹ năng, tay nghề, sức khoẻ cũng đòi hỏi cao do thay đổi khí hậu từ nước này sang nước khác.

Từ những khó khăn trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệu nhằm ổn định và giữ vững thị phần nên một số thị trường truyền thống vẫn được duy trì và phát triển. Nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động triển khai các hoạt động tuyên truyền đến người lao động, gia đình, chính quyền xã phường… cũng như tổ chức giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường; hỗ trợ người lao động vay vốn, chi phí học nghề, ngoại ngữ… Nhóm địa phương có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đông như Nghệ An: 10.250 người, Thanh Hoá: hơn 8.800 người, Bắc Giang: 3500 người, Hải Dương: hơn 3.300 người, Thái Bình: 2100…

Đề án hỗ trợ 62 huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg đã đưa 400 lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, đối tượng ở 62 địa bàn này được hỗ trợ riêng về học vấn, kỹ năng nghề và chi phí từ vùng sâu, vùng xa về đô thị học tập. Nhưng về tổng thể cũng cần xem xét bởi xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo cần đào tạo dài hơi, chứ không chỉ trong thời gian ngắn. Việc điều chỉnh thời gian đào tạo là cần thiết để tăng chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài, cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Quản lý chặt lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trong hội nghị triển khai công tác năm 2013 của ngành lao động, thương binh và xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo cần quản lý tốt hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta khuyến khích đưa lao động đi nước ngoài nhưng phải quản lý chặt chẽ, chú ý lựa chọn thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản... Các cơ quan, đoàn thể cũng cần phối hợp để vận động chính sách tới người lao động và gia đình.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động, nhất là thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với điều kiện lao động Việt Nam, đồng thời tiếp tục các hoạt động mở thị trường mới như Angola, Belarus… Chúng ta cũng cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài như chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản, đào tạo nghề tại Đức, đa dạng hoá hình thức đi làm việc ở nước ngoài như ký thoả thuận về chương trình lao động kỳ nghỉ với New Zealand, Australia…

Riêng về vấn đề lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền lưu ý, cơ quan này sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm nhanh số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để phía bạn sớm ký lại bản ghi nhớ đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình EPS. Bảy địa phương có tỷ lệ người lao động ở lại Hàn Quốc cao cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền trực tiếp, phối hợp với các hội cơ sở, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản TP Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… để vận động gia đình và người lao động.

Tới nay, theo báo cáo của Dolab, tỷ lệ lao động hết thời hạn bỏ trốn cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mới chỉ giảm 2-3%, trong khi yêu cầu của nước tiếp nhận phải giảm xuống 40% thì mới tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam.