Đầu xuân mạn đàm về Tập đoàn kinh tế

Đề án trình Chính phủ về việc thành lập thí điểm một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trong Quý IV năm 2003.

Cho đến nay, 8 TĐKT nhà nước do Chính phủ thí điểm thành lập và một loạt các DN tư nhân hình thành theo mô hình TĐKT nở rộ thời gian qua đang cho thấy xu thế tất yếu của việc liên kết phát triển để lớn mạnh, tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Việc hình thành các TĐKT nhà nước hiện vẫn đang ở giai đoạn thí điểm. Dù đã có 8 TĐKT nhà nước ra đời, nhưng đây mới chỉ ở bước đầu và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

“Mốt”... tập đoàn kinh tế hay là thành lập tập đoàn kinh tế tràn lan, lợi bất cập hại?

Đó là vấn đề nóng được mổ xẻ tại hội thảo “Phát triển tập đoàn kinh tế VN trong thời kỳ hội nhập”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 26-9, tại Hà Nội. Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đều lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về “phong trào tập đoàn” hiện nay.

Và đúng một tháng sau, lần đầu tiên, Quốc hội lên tiếng về “phong trào” thành lập TĐKT, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đang rất nóng này....

Cụ thể, sáng ngày khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII (22/10/2007), sau khi Thủ tướng trình bày Báo cáo của Chính phủ thì Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2007, kế hoạch phát triển KTXH năm 2008 của CP, trong đó đã nhấn mạnh “cần phải sớm có tổng kết đánh giá việc thành lập các tập đoàn kinh tế”, gián tiếp khẳng định rằng, đây là một vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý có trách nhiệm cho rằng, nếu không thận trọng, phong trào “tập đoàn hóa” sẽ đưa đến những hệ lụy mới cho nền kinh tế. Một trong những vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất là tính hiệu quả của các tập đoàn khi mở rộng hoạt động ra những lĩnh vực không phải sở trường.

Việt Nam chưa có tập đoàn kinh tế đúng nghĩa!?

Nếu hỏi các nhà nghiên cứu về cơ sở hình thành các TĐKT tại Việt Nam, chắc chắn, chẳng ai lý giải được theo cách có cơ sở khoa học. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên tắc hình thành TĐKT mà vốn nhà nước chiếm tỉ lệ chi phối là phải tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, chẳng hạn như điện năng, dầu khí, đóng tàu, hàng không, khoáng sản, viễn thông...

Một nguyên tắc nữa là các TĐKT khi được thành lập phải giải quyết được vấn đề gì hữu ích cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặt khác, việc hình thành TĐKT, nhất là với những DN cổ phần (đụng đến quan hệ sở hữu), phải dựa trên cơ sở tự nguyện, phải có được sự thống nhất ý chí, phải có khả năng tích tụ, tập trung nguồn lực tạo ra sức mạnh cạnh tranh hơn hẳn, từ đó mới có được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tóm lại, nếu không tạo ra sự đột phá về năng lực cạnh tranh - những quả đấm thép, như nhiều quan chức vẫn nói, thì không nên cho ra đời những TĐKT yếu.

Tập đoàn kinh tế là sự liên kết nội tại chứ không thể là sự gộp cộng số học các DN lại. Chúng ta đã từng lãnh hậu quả nặng nề vì phong trào nhập các DN lại thành các liên hiệp xí nghiệp đồ sộ, nhưng làm ăn không có hiệu quả. Hoặc như chúng ta đã có những TCty 90, TCty 91 thì không có nghĩa là chỉ làm một động tác ra quyết định đổi tên những DN này thành... TĐKT. Đó là sai lầm lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu đã khẳng định, cho đến nay, những công trình nghiên cứu cơ bản về Tập đoàn và mô hình Công ty mẹ - Công ty con ở nước ta còn rất ít. Còn rất nhiều vấn đề cơ sở lý luận về tập đoàn chưa được trao đổi và thống nhất theo tinh thần thẳng thắn, khách quan và khoa học. Chẳng hạn, thế nào là một tập đoàn? Gọi là tập đoàn kinh tế hay tập đoàn DN? tập đoàn có phải là một tổ chức có tư cách pháp nhân hay không? Khi chưa hiểu thấu đáo về tập đoàn và công ty mẹ - công ty con mà đã “cho ra” đời hàng loạt tổ chức thì chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong điều hành.

Theo thông lệ trên thế giới, tập đoàn không phải là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Các doanh nghiệp tự nguyện gia nhập tập đoàn đều có tư cách pháp nhân đầy đủ và hoạt động độc lập. Vì vậy, không có một mệnh lệnh hành chính nào có hiệu lực trong tập đoàn. Cũng vì vậy, không có một quyết định hành chính của bất kỳ cấp quản lý nào về việc thành lập tập đoàn. Trong các tập đoàn trên thế giới, không tồn tại chức danh TGĐ Tập đoàn mà chỉ có Chủ tịch Tập đoàn do Hội đồng chủ tịch của các công ty con bầu ra.

Nhưng, vừa qua một số tập đoàn được thành lập trên cái nền là các TCT nhà nước lại theo một quyết định hành chính, chỉ rõ tập đoàn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Đồng thời, lại có quyết định bổ nhiệm TGĐ, Chủ tịch HĐQT.

Vấn đề đặt ra là, việc thành lập ồ ạt các tập đoàn và liên tục chuyển các TCT nhà nước sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con hiện nay liệu có rơi vào tình trạng “Bình mới, rượu cũ” hay không? hay tập đoàn trong DNNN ở nước ta hiện nay mới chỉ là việc đổi tên từ Cty?

Tập đoàn kinh tế nhà nước làm đa ngành hay doanh nghiệp lớn lấn sân nhau ?

Gần đây Vinashin, một tập đoàn chuyên về đóng tàu biển tuyên bố đang có ý định thành lập nhà máy bia, và mới đây Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy bia tại Long An đã khiến dư luận một lần nữa dấy lên câu hỏi về sự đa dạng hóa chức năng hoạt động của các TĐKT.

Các tập đoàn từ dầu khí, điện lực, viễn thông, đến công nghiệp tàu thủy, đường sắt, hàng hải, hàng không... đều đã có các công ty trực thuộc, các bộ phận kinh doanh những lĩnh vực ngoài ngành nghề chính. Công ty tài chính, công ty bất động sản, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư... xuất hiện nhan nhản và trở thành “mốt”.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đang ráo riết nhảy vào những lĩnh vực trước đây vốn không phải là “sở trường”.

Chẳng hạn, ngoài việc đi vào lĩnh vực khai thác bôxit và sản xuất nhôm, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) còn đang tiến vào lĩnh vực sản xuất điện thông qua đầu tư xây dựng nhà máy điện chạy bằng than, mà trước đây vốn thuộc “địa hạt” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cùng “nhảy” vào lĩnh vực điện của EVN còn có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) với việc đầu tư nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên. Petro Vietnam cũng đồng thời bắt đầu xây dựng một tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng và căn hộ, bên cạnh việc mở rộng lĩnh vực chuyên ngành là công nghiệp dầu khí.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Petro Vietnam đang tiến vào lĩnh vực vận tải biển từng được xem là “lãnh địa” của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Như vậy, không chỉ lấn sân sang các lĩnh vực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà các tập đoàn, các tổng công ty cũng đang lấn sân cả sang các lĩnh vực kinh doanh vốn được coi là truyền thống của nhau.

Lý giải về vấn đề trên, nhiều lãnh đạo các TĐKT cho rằng, đơn vị cần phải mở rộng sân chơi, ngày càng “tự cung tự cấp”, thậm chí là “lấy ngắn nuôi dài”. Như vậy, thói quen cố hữu của anh nông dân vẫn đang ngự trị trong những ông chủ của TĐKT nắm trong tay nhiều tỷ đồng của dân và điều này có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến các liên kết chuỗi trong nền kinh tế.

Mới đây, trong một bài viết của mình, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập “Sự bành trướng của các tập đoàn sang mọi lĩnh vực kinh doanh khác vừa đi ngược chủ trương “Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân”; vừa phân tán lực lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, vừa không giải phóng được những nguồn lực do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ mà không sử dụng có hiệu quả, vừa thêm khó cho Nhà nước trong việc kiểm soát các tập đoàn này”.

“Đồng thời, các tập đoàn lại chiếm thêm phần thị trường, các nguồn lực vật chất và cơ hội kinh doanh vốn đã khiêm tốn cho khu vực tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, khiến khu vực này khó cải thiện được năng lực cạnh tranh, khó lớn lên để phát huy vai trò quan trọng của nó trong nền kinh tế”.

Ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN cho rằng, TĐKT nhà nước lẽ ra phải lo tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn có thế mạnh thì mới phát huy được sức mạnh, tập hợp được nguồn lực, đằng này tập đoàn nào cũng chủ trương kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đầu tư phân tán, dàn trải, có TĐKT thuộc lĩnh vực đầu tư ngân hàng, lại nhảy sang cả lĩnh vực thể thao, giải trí… thì quả là lãng phí.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các tập đoàn đi vào những ngành không có thế mạnh, đang cạnh tranh quyết liệt thì chẳng có gì đảm bảo họ sẽ thành công”. Cần xem lại khi ra quyết định thành lập tập đoàn, cần quy định, họ phải dành bao nhiêu nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, tối thiểu cũng phải 80% vốn”.

Việc hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế là tất yếu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta đua nhau thành lập tập đoàn theo kiểu “phong trào” hay như một “mốt” mới mà không tính đến hiệu quả. Nếu không, hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ sầm sập đến trong tương lai gần.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Phạm Thanh Bình cho biết, mặc dù xác định các lĩnh vực chính vẫn là đóng tàu và dịch vụ vận tải biển, song trong giai đoạn trước mắt sẽ “nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, xi măng, vận tải đa phương thức, công nghiệp, hàng không, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... để lấy ngắn nuôi dài”.

Thực tế, quan điểm “lấy ngắn nuôi dài” đã được hiện thực hóa qua nhiều kế hoạch hoạt động mới đây, chẳng hạn như việc liên doanh thành lập một công ty hàng không. Tình hình cũng đang diễn ra tương tự tại Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản... Theo các báo cáo hoạt động của các tập đoàn này mà chúng tôi có được, mọi thứ có vẻ như đang diễn ra một cách hết sức tốt đẹp.

TĐKT không có tư cách pháp nhân

TS Trần Tiến Cường - Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) đưa ra một thông tin chưa hẳn đã nhiều người biết, TĐKT được định nghĩa như là một nhóm công ty có quy mô lớn liên kết với nhau một cách tự thân, nhưng TĐKT không phải là một pháp nhân, vì vậy cũng không phải đăng ký kinh doanh và không có con dấu riêng.

Theo Luật DN năm 2005, thì chỉ quy định 4 loại hình DN được phép thành lập (Công ty TNHH, Công ty CP, Công ty hợp doanh và DN tư nhân), không có loại hình TĐKT. Bằng thực tế hoạt động của các TĐKT được Chính phủ thành lập và sự hợp thành hữu cơ của các DN tư nhân theo mô hình tập đoàn, nhiều ý kiến không khỏi tỏ ra quan ngại.

Thay lời kết:

- Năng lực mà các DN của Việt Nam vận hành với tư cách một tập đoàn thì còn nhiều vấn đề cần phải bàn.

- Việc có một số tập đoàn mạnh ở một số ngành mũi nhọn là cần thiết để có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nếu lạm dụng mô hình này quá, đưa nó trở thành phong trào mà không có sự quản lý hợp lý thì sẽ trở thành phản tác dụng, cần phải phân biệt những khái niệm về “tập đoàn”.