Bamboo Airawys đối mặt lỗ kỷ lục và xáo trộn thượng tầng
Bamboo Airways vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cơ cấu mới của Hội đồng quản trị (HĐQT) hãng hàng không này, cũng như phương hướng lựa chọn cổ đông chiến lược.
Theo đó, Đại hội đã thông qua kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, về việc giao HĐQT tổ chức, thực hiện rà soát xác định nguồn vốn của công ty, tăng/giảm vốn Điều lệ nhằm mục tiêu tái cấu trúc công ty và huy động vốn từ cổ đông chiến lược.
Việc lựa chọn cổ đông chiến lược, Đại hội thống nhất được các mục tiêu tái cấu trúc về mặt tài chính, đảm bảo hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways và tăng cường nguồn vốn để thực hiện các chủ trương mở rộng quy mô đội máy bay, mở rộng mạng bay, nâng cao dịch vụ… trong tương lai.
Về mặt nhân sự, Đại hội cũng đã thông qua việc bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh - hiện là Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways - làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay thế các thành viên có quyết định miễn nhiệm được thông qua trước đó, gồm các ông: Hideki Oshima, Doãn Hữu Đoàn, và Trần Hòa Bình. Số lượng đại diện pháp luật của hãng hàng không này cũng được giảm từ 3 còn 2 người gồm Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Như vậy, HĐQT Bamboo Airways hiện có 5 thành viên gồm các ông: Lê Thái Sâm, Lê Bá Nguyên, Nguyễn Ngọc Trọng, Phan Đình Tuệ và bà Lê Thị Trúc Quỳnh.
Đại hội đồng cổ đông bất thường của Bamboo Airways được tổ chức trong bối cảnh hãng hàng không này vừa trải qua nhiều xáo trộn thượng tầng. Đồng thời, hãng hàng không này ghi nhận khoản lỗ lũy kế khổng lồ là 17.600 tỷ đồng trong năm 2022 so với khoản lỗ 2.300 tỷ đồng trong năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản cuối năm 2022 đã giảm mạnh 33% so với đầu năm, xuống còn 18.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là -836 tỷ đồng mặc dù vốn góp là 18.500 nghìn tỷ đồng.
Tại sao Ngân hàng Sacombank muốn tham gia đầu tư vào Bamboo Airways?
Đáng chú ý, tại Đại hội, ông Phan Đình Tuệ cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB – sàn HoSE) đang có có chủ trương tham gia đầu tư vào Bamboo Airways và ngân hàng này đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận.
Ông Phan Đình Tuệ cho biết Ngân hàng Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways. Vì vậy, ngân hàng này thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways và kỳ vọng vào sự phát triển của hãng hàng không này. Do Ngân hàng Sacombank là một tổ chức tín dụng nên việc đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, ngân hàng này đang phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.
Được biết, trước khi gia nhập HĐQT Bamboo Airways, ông Phan Đình Tuệ từng làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank từ năm 2012 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Ngân hàng Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Ngân hàng Sacombank hiện là chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways với dư nợ hiện là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức tín dụng của Ngân hàng Sacombank. Mặc dù đây là khoản vay có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng một số tổ chức tài chính, chứng khoán hiện vẫn đưa ra một số lưu ý về triển vọng hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways khi hãng hàng không này ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways, ngày 19/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ ngành liên quan hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ hãng hàng không này thu xếp vốn bằng cách tạo điều kiện cho một ngân hàng phù hợp tham gia với tư cách cổ đông.
SSI Research hiện đánh giá đây là trường hợp phức tạp và tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với Ngân hàng Sacombank nếu Bamboo Airways thất bại trong việc tái cơ cấu. Do đó, nếu Ngân hàng Sacombank được các cơ quan chức năng chấp thuận cho phép tham gia tái cơ cấu Bamboo Airways với tư cách cổ đông chiến lược của hãng hàng không này thì sẽ là giải pháp “trọn vẹn” nhất với cả hai bên.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 15/9, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đạt 32.500 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất 17 tháng trở lại đây. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu STB đã tăng gần 40%.