Thuốc lá lậu vẫn khá phổ biến
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng sau khi Việt Nam mở cửa, trở lại trạng thái bình thường mới thì tình trạng buôn lậu thuốc lá có xu hướng tăng nhanh trở lại do nhu cầu tiêu thụ thuốc lá nhập lậu vẫn còn khá cao, bên cạnh lợi nhuận kênh phân phối rất lớn (do không có các khoản thuế, phí...).
Các đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi như: Trên biển, sông, rạch, các đối tượng thường sử dụng ghe tàu đánh bắt cá, tàu chở hàng, xuồng cao tốc để vận chuyển.
Trên tuyến biên giới đường bộ, thuốc lá lậu được xé lẻ, lợi dụng đêm tối, rạng sáng, được thuê mang vác qua biên giới, sau đó dùng xe máy vận chuyển hoặc che dấu trong hàng hóa hợp pháp, giấu trên các xe tải, xe khách, xe ô tô 4 - 7 chỗ (thường là xe thuê)... vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Liều lĩnh hơn, trong quá trình khai báo hải quan, các đối tượng còn khai sai tên hàng, giấu thuốc lá trong hàng hóa đã khai báo để vận chuyển trái phép qua biên giới.
Trong nội địa, tình trạng trưng bày công khai thuốc lá điếu nhập lậu có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Các điểm kinh doanh thường chia nhỏ lượng hàng và giấu tại các hộ nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, cà phê, để chung với thuốc lá sản xuất trong nước... khi có người hỏi mua sẽ mang ra bán. Tại TP.Hồ Chí Minh, kế đến khu vực miền Tây, miền Đông và miền Trung vẫn là những điểm nóng của vấn nạn buôn lậu thuốc lá.
Một thực trạng đáng lo ngại khác là thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng như 555, Craven A, White Horse... được làm giả từ Campuchia và đưa về Việt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, sức khỏe người tiêu dùng và thất thu thuế.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 08 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý mặt hàng thuốc lá như sau: Qua kiểm tra, phát hiện 2.799 vụ việc vi phạm, tịch thu 3.099.309 bao thuốc lá điếu, 31.690 sản phẩm thuốc lá điện tử, 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá.
Tổng giá trị tang vật 97.690.000 đồng, tiêu hủy 159.697 bao thuốc lá điếu, 2.513 sản phẩm thuốc lá điện tử. Xử phạt vi phạm hành chính 2.365 vụ, với 510 đối tượng, tổng số tiền phạt là 20.062.000.000 đồng. Xử lý hình sự 174 vụ, với 189 bị can.
Mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ hơn 10 nghìn vụ vi phạm, tịch thu trên dưới 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Nhưng nhìn chung, số lượng và số vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, bắt giữ còn ít so với thực tế. Điều này cho thấy, công cuộc đấu tranh với thuốc lá lậu, thuốc lá giả vẫn hết sức gian nan, phức tạp và cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng này.
Thuốc lá lậu ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp thuốc lá
Hiện nay, thuốc lá hợp pháp phải chịu rất nhiều các loại thuế phí (thuế TTĐB 75%, thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu, phí môi trường, chi phí tem…) trong khi thuốc lá lậu không phải chịu bất kỳ loại thuế, phí nào. Thuốc lá lậu làm ngân sách nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (do thuốc lá lậu không chịu bất kỳ các loại thuế nào và số tiền này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên nếu buông lỏng kiểm soát.
Thuốc lá lậu không tuân thủ in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, cũng không bị giới hạn về nồng độ tar, nicotine trong khói thuốc, không chịu bất kỳ sự quản lý nào về chất lượng cũng như hình thức bao bì sản phẩm.
Theo Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam, việc điều chỉnh thuế TTĐB sẽ không giúp giảm tổng lượng tiêu thụ thuốc lá, thay vào đó thực tế chứng minh rằng người hút thuốc sẽ chuyển từ thuốc lá hợp pháp sang thuốc lá lậu.
Thu nhập khả dụng của người tiêu dùng Việt Nam đang giảm trong tình hình kinh tế hiện nay. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng nhạy cảm về vấn đề giá cả và chuyển sang dùng sản phẩm có giá rẻ hơn, thường là thuốc lá lậu. Việc tăng giá tính thuế TTĐB còn làm tình hình này thêm nghiêm trọng và làm cho nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng thuốc lá lậu.
Như vậy, việc điều chỉnh thuế TTĐB theo hướng tăng thuế (bằng bất kỳ hình thức nào) làm cho nhà nước không đạt được cả mục tiêu giảm lượng tiêu thụ thuốc lá và tăng thu ngân sách nếu không kiểm soát nghiêm ngặt đối với các hoạt động buôn lậu thuốc lá. Ví dụ: Giai đoạn 2015 - 2019, khi thuế TTĐB tương đối có 2 kỳ điều chỉnh (năm 2016 từ 65% lên 70% và năm 2019 từ 70% lên 75%): Sản lượng thuốc lá chính ngạch đạt ~3,8 tỷ bao/năm tăng trưởng âm (-1,87%/năm); trong khi đó thuốc lá nhập lậu ước đạt trên 700 triệu bao/năm tăng trưởng dương (+2,15%/năm).
Ngoài ra, thuốc lá lậu gia tăng sẽ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, mất công ăn việc làm cho các lao động công nhân và nông dân trong ngành thuốc lá vì sản lượng hợp pháp giảm.
Tháo gỡ những nút thắt trong công tác phòng chống thuốc lá lậu
Tại Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát diễn ra vừa qua tại Kiên Giang, do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị nhằm ngăn chặn, đấu tranh phòng chống nạn thuốc lá lậu tại nước ta.
Trong đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu của các lực lượng chức năng tuyến đầu như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an… trên các tuyến biên giới.
Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương bên cạnh các đợt cao điểm kiểm tra điểm bán thuốc lá cũng đưa việc kiểm tra mặt hàng thuốc lá lậu tại điểm bán vào công việc thường xuyên, đột xuất và đồng loạt ở nhiều địa phương, kết hợp thông tin chế tài xử lý nếu buôn bán thuốc lá lậu nhằm tác động và hình thành tâm lý tuân thủ.
Các địa phương có tình trạng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu phức tạp và các lực lượng chức năng tuyến đầu có kiến nghị bằng văn bản với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế về việc trích một phần Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đãi ngộ cho lực lượng trực tiếp thực hiện chống buôn lậu.
Cùng với đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tăng cường tuyên truyền, phổ biến, yêu cầu cam kết đến toàn bộ hệ thống phân phối, cán bộ công nhân viên và các đối tác không tiếp tay vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc lá lậu. Đối với Bộ Công Thương cần tham mưu Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam ông Hà Quang Hòa kiến nghị: “Chính sách thuế đối với sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, trước khi có sự điều chỉnh, các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá toàn diện tác động kinh tế, xã hội, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thuốc lá, có tính công bằng giữa các phân khúc sản phẩm nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh các sản phẩm thuốc lá, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp trong nước so với các tập đoàn thuốc lá quốc tế) và tránh tạo nên những bất lợi ngày càng lớn giữa các sản phẩm thuốc lá sản xuất hợp pháp trong nước và thuốc lá lậu. Đảm bảo vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát tác hại của thuốc lá nhưng đồng thời duy trì và phát triển nguồn thu cho ngân sách quốc gia, hạn chế thất thu ngân sách do thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp”.
Qua đó, từng bước tháo gỡ những nút thắt trong công tác phòng chống nạn thuốc lá lậu tại nước ta, góp phần ổn định nền kinh tế và đảm bảo quyền, lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.