Tăng cường hợp tác thương mại, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong APEC

“Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo” được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thương mại và đổi mới sáng tạo giữa các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vữn

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), “Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo” diễn ra vào sáng 19/5/2017, tại Hà Nội.

Hội nghị bao gồm một phiên đối thoại mở với các Bộ trưởng Thương mại APEC về hai chủ đề: Vận dụng các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho môi trường sáng tạo và Vai trò của Chính phủ để đẩy mạnh thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo tại các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thực tiễn gần đây đã chứng minh thương mại và đầu tư quốc tế có vai trò quan trọng trong việc đổi mới cho phép công nghệ “vượt” qua biên giới giữa các quốc gia, tăng khả năng cạnh tranh và mở cửa thị trường mới. Việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa (TTC) xảy ra qua kênh chính thức và phi chính thức. Điều này xảy ra nhờ sự tham gia tích cực và hỗ trợ của nhiều cá nhân cũng như tổ chức khác nhau.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo

Về thương mại, mức thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016. Những kết quả thực tế nói trên là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nỗ lực của cả khu vực nói chung, cũng như của từng nền kinh tế thành viên nói riêng trong tiến trình thực hiện các hoạt động hợp tác về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại.

Nhận thức được cơ hội và thách thức mà đổi mới sáng tạo mang lại, các thành viên APEC đã nỗ lực hết mình theo đuổi đổi mới sáng tạo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và sáng tạo. Năm 2014, các Nhà Lãnh đạo APEC đã ra Tuyên bố APEC về Phát triển sáng tạo, Cải cách và Tăng trưởng kinh tế trong đó nhấn mạnh phát triển sáng tạo thông qua thúc đẩy hợp tác về khoa học và đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi chuyển giao, phổ biến và thương mại hóa công nghệ; thúc đẩy sử dụng và thương mại hóa sở hữu trí tuệ và đảm bảo thực thi luật về quyền sở hữu trí tuệ; cải thiện môi trường đổi mới sáng tạo...

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Chiến lược APEC 2015 về Củng cố Tăng trưởng Chất lượng một lần nữa tái khẳng định đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu điển hình về chính sách thương mại

Để hiện thực hóa cam kết này, các nền kinh tế cần tạo thuận lợi cho dòng chảy tự do của vốn, con người, ý tưởng, công nghệ, hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới theo cách thúc đẩy cạnh tranh. Ngoài các chính sách và chiến lược về thương mại và đầu tư, các chính phủ cũng cần phải xây dựng các nguyên tắc cốt lõi về chính sách đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, dựa trên chính sách của chính phủ, doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến các yếu tố công nghệ mà còn gồm các yếu tố phi công nghệ, có mối quan hệ chặt chẽ với một loạt các lĩnh vực bao trùm và phức tạp như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường tài chính, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống pháp luật, sở hữu trí tuệ, thuế,...

Với tính chất phức tạp và bao trùm như vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thương mại, được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy quan trọng giúp định hình chính sách và chiến lược về đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Ngược lại, dựa trên chính sách của chính phủ, doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Toàn cảnh Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định, “Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo” được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thương mại và đổi mới sáng tạo giữa các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững; tạo ra cơ hội đối thoại cởi mở thẳng thắn giữa các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC với đại diện giới doanh nghiệp về thúc đẩy thương mại và sáng tạo...

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu điển hình về chính sách thương mại cũng như vai trò của nhà cung cấp khác trong việc đổi mới nền kinh tế APEC. Hay làm thế nào để nhìn ra những thách thức và kinh nghiệm từ quá trình thực tiễn TTC... cũng được các chuyên gia giải đáp.


Hoàng Hòa