Tăng lương tối thiểu và sự phát triển doanh nghiệp

Về thăm Công ty Cổ phần May Sông Hồng (May Sông Hồng) vào những ngày cuối năm, tìm hiểu hoạt động SX- KD của một doanh nghiệp lớn trong ngành Dệt- May, được lắng nghe tâm sự, chia sẻ của ông Bùi Đức T

Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng - Ảnh: Thu Hoài

Vượt qua gian khó, xây dựng DN bền vững

Là một người có thời gian dài phục vụ trong quân ngũ thời chiến tranh chống Mĩ và có kinh nghiệm 15 năm làm chính trị chuyên nghiệp, trước khi chuyển sang làm DN, từ những tháng cơ cực về vốn liếng, về thị trường, về hàng hóa, song vượt qua tất cả, ông Bùi Đức Thịnh đã xây dựng thành công thương hiệu May Sông Hồng vững mạnh, nằm trong Top doanh nghiệp hàng đầu của ngành Dệt-May Việt Nam. Gắn bó với DN từ khi mới được thành lập cách đây 27 năm, từ một doanh nghiệp địa phương trực thuộc tỉnh Nam Định, chỉ được cấp mấy chục m2 nhà xưởng, mấy chục chiếc máy may đạp chân và khoảng 50 công nhân của cửa hàng may, có thể thấy rằng xuất phát điểm của Công ty vô cùng nhỏ bé và khó khăn đến mức mà mọi người dự đoán khó có thể tồn tại được qua 2 năm.

Thế nhưng, sau gần 3 thập kỷ xây dựng, May Sông Hồng đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo  công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục vạn lao động địa phương, doanh thu hàng năm đạt 2.600 tỷ đồng, lãi mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 60 tỷ đồng và chi trả cổ tức, cổ phiếu ở mức 25- 35%/năm. Bước đầu, doanh nghiệp đã có tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất, NLĐ đã hồ hởi đầu tư vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa và họ rất vui mừng, được nhận thêm đồng tiền cổ tức vượt trội so với lãi gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới. Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP và các Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương khác giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may. Lẽ ra DN phải là những người đón nhận với niềm vui hân hoan, nồng nhiệt nhất, nhưng thay vào đó lại là những nỗi lo, trăn trở bởi những thách thức bên ngoài do môi trường đầu tư, chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, chính sách ưu đãi đầu tư chưa thỏa đáng, các rào cản về kỹ thuật thương mại, trách nhiệm xã hội, cộng thêm chính sách tăng lương tối thiểu… là những nguyên nhân khách quan làm khó cho DN, rất nhiều khả năng DN đành ngậm ngùi bỏ lỡ vì không còn đủ sức mà tiếp cận hưởng lợi do các hiệp định mang lại. Cánh cửa hội nhập Chính phủ vừa mở ra cho các DN, thì mấy cánh cửa vô hình khác, bởi định chế của một số ngành chức năng lại đang lạnh lùng đóng lại. Đó chính lời chia sẻ của ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng khi tiếp các phóng viên.

Nhiệt huyết mở rộng sản xuất bị ngưng lại

Hiện, May Sông Hồng có vốn điều lệ khoảng 230 tỷ đồng, với mức chia cổ tức hàng năm đạt 25 - 35%, có tổng số trên 10.000 công nhân. Công ty đã từng có kế hoạch sẽ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nguồn nhân lực lên 15.000 người. Các cơ sở của May Sông Hồng được đầu tư ở hầu hết các huyện nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Công ty đã đề ra kế hoạch xây dựng các cụm cư dân Sông Hồng thuộc các huyện Xuân Trường, Hải Hậu và huyện Nghĩa Hưng. Bởi trong vòng bán kính từ 10-12km với nguồn nhân lực tập trung xung quanh nhà máy mỗi nơi khoảng hơn 2.000 người cùng với mức thu nhập bằng tiền mỗi năm, mỗi nơi trên 150 tỷ đồng, trong 10 năm sẽ có trên 1.500 tỷ đồng…nên hoàn toàn đủ điều kiện để các cư dân sông Hồng, thậm chí nhiều thế hệ con cháu của họ được yên tâm làm việc ở Công ty mà không phải lo lắng nơi để kiếm sống như trước.

Tuy nhiên, kế hoạch là như vậy, nhưng doanh nghiệp đang phải tính toán đầu tư lại, hạn chế mở rộng quy mô sản xuất, bởi các chi phí phát sinh quá lớn, đặc biệt là chính sách tiền lương tối thiểu mà đích chính là các loại phí bảo hiểm, phí công đoàn không ngừng tăng cao liên tiếp trong mấy năm qua và tới đây nữa… Tất cả những vướng mắc đó sẽ làm các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may khó khăn về khả năng tích tụ tài chính.

May Sông Hồng có đủ tiềm lực về vốn và thị trường tiêu thụ để mở rộng sản xuất tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động, nhưng đứng trước rào cản về tăng lương tối thiểu, buộc doanh nghiệp phải tính toán đầu tư chiều sâu, giảm nguồn nhân lực và chỉ dừng lại ở còn số 10.000 lao động - Ảnh: Tư liệu

Theo ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng, đợt tăng lương tối thiếu năm 2015, chỉ riêng BHXH của đơn vị này đang từ mức 86,7 tỷ đồng đã tăng lên trên 110 tỷ đồng và tăng vọt lên trên 150 tỷ đồng vào năm 2016. Như vậy, chỉ trong 2 năm 2015 - 2016, May Sông Hồng đã phải chi phí tăng thêm gần 50 tỷ đồng, gồm các loại phí bảo hiểm và đến năm 2018 thực hiện theo luật BHXH mới, sẽ làm cho doanh nghiệp thêm bội phần khó khăn. Chính vì vậy, kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động đang được May Sông Hồng tính toán lại, tìm giải pháp tậptrung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị và công nghệ để sử dụng ít lao động hơn.

Và như vậy, đơn vị sẽ chỉ dừng lại ở con số 10.000 người lao động như hiện nay (trong khi khả năng đầu tư của May Sông Hồng có đủ tiềm lực mở rộng phát triển ở con số 15.000 lao động). Hiện thu nhập trung bình của công nhân May Sông Hồng ở mức 6,5- 6,7 triệu đồng/người/tháng, với mức đóng các loại phí BH trừ trực tiếp hiện nay là 350.000 đồng/người/tháng, sẽ tăng vọt lên 700.000 đồng/người/tháng vào năm 2018. Về vấn đề này, ông Bùi Đức Thịnh cũng chia sẻ: Với May Sông Hồng có tiềm lực nguồn vốn phát triển vững vàng, nhưng khi gặp vấn đề tăng lương tối thiếu bất cập như hiện nay còn đang phải đối mặt với qúa nhiều khó khăn.

Cần một lối mở cho DN

Như vậy, từ việc tăng lương tối thiểu, kéo theo các loại phí kèm tăng theo. Xét về mọi phương diện kinh tế - xã hội, dường như mọi mong muốn về kế sách an dân, doanh nghiệp phát triển, kinh tế phát triển, ngân sách tăng thu, người lao động hồ hởi, tăng thêm việc làm mới… của Chính phủ và toàn xã hội... đang được các ý kiến từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức hiệp hội, ngành hàng cho rằng, chưa được trọn vẹn, thậm chí đang bị đi ngược xu thế phát triển của cuộc sống và hội nhập. Nguyện vọng hiện nay của không chỉ riêng doanh nghiệp May Sông Hồng mà còn nhiều các doanh nghiệp Việt Nam khác nữa đang rất mong Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần xem xét điều chỉnh lại các chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển, đón nhận thời cơ từ các Hiệp định Thương mại mang lại. Đặc biệt, về chính sách tăng tiền lương tối thiểu vùng cần được tách rời qui định về mức đóng các loại phí bảo hiểm, phí công đoàn cho hợp lý, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa cho người lao động.