Lãi ròng cả năm nay có thể tăng 21%
Kết thúc quý 3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) ghi nhận tổng doanh thu hoạt động (TOI) đạt 7.238 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 32%, đạt 2.752 tỷ đồng.
Động lực thúc đẩy kết quả tích cực trên đến từ việc tăng trưởng tín dụng, biên lãi ròng (NIM) tiếp tục được cải thiện, và chi phí được tiết giảm (chỉ số CIR chỉ còn ở mức 45%). Sau 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này ghi nhận 8.094 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành hơn 76% mục tiêu lãi cả năm.
Tỷ lệ nợ xấu trong quý 3/2024 của Ngân hàng Sacombank chỉ nhích tăng nhẹ 0,04% so với quý 2 liền trước, lên 2,47%. Đáng chú ý, nợ xấu hình thành mới trong quý 3 chỉ còn 637 tỷ đồng, giảm 44% so với quý 2/2024 và giảm tới 70% so với quý 3/2023.
Tuy vậy, Ngân hàng Sacombank vẫn tăng trích lập dự phòng lên 1.199 tỷ đồng, tăng 156% so với quý 2/2024 và tăng 156% so với quý 3/2024, giúp tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LCR) lên mức 75%.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, với hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng cả năm nay của Ngân hàng Sacombank có thể đạt mức 14%, Theo đó, lãi ròng năm nay của ngân hàng này có thể đạt 9.378 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023.
Về tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu vốn được bắt đầu từ năm 2016, Ngân hàng Sacombank đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú và thu về được 20% tổng giá trị bán đấu giá. Ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục được nhận thêm 40% tổng giá bán đấu giá trong năm nay và 40% giá trị còn lại trong năm 2025 theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý của dự án.
Đáng chú ý, dữ liệu báo cáo tài chính quý 3/2024 cho thấy Ngân hàng Sacombank chưa phản ánh khoản thu từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú. Khu công nghiệp này là tài sản bảo đảm cho khoản nợ với nợ gốc tại Ngân hàng Sacombank là 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là 11.061 tỷ đồng (tính đến cuối 2021).
Theo đó, Chứng khoán Bảo Việt ước tính giá trị bán đấu giá thành công khoảng 7.900 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Ngân hàng Sacombank tăng trưởng mạnh trong quý 4/2024 và năm 2025.
Tiến tới hoàn thành Đề án tái cơ cấu
Hiện Ngân hàng Sacombank chỉ còn vướng mắc trong việc xử lý 32,5% cổ phần liên quan đến nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ để chính thức hoàn tất Đề án tái cơ cấu.
Ngân hàng Sacombank đã trình lên Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý số cổ phần trên theo hình thức bán đấu giá. Trong kịch bản tích cực, Theo Chứng khoán Bảo Việt, kỳ vọng số tiền trúng thầu có thể giúp Ngân hàng Sacombank hoàn nhập một phần hoặc toàn bộ dự phòng khoản nợ xấu được đảm bảo bằng số cổ phần trên.
Đặc biệt, việc hoàn tất Đề án tái cơ cấu, sẽ cho phép Ngân hàng Sacombank thực hiện đầy đủ các hoạt động, có thể trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ để gia tốc tăng trưởng.
Trong đó, vấn đề chia cổ tức là mối quan tâm lớn của cổ đông ngân hàng này khi lợi nhuận giữ lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2023 của Ngân hàng Sacombank đã ở mức 18.387 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank từng cho biết, ngân hàng đã từng trình Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông, song vẫn chưa được chấp thuận, do ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Dương Công Minh Minh "gạo không ăn, còn có đó".
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho hay, vấn đề cuối cùng để chia cổ tức là phải đấu giá 32% cổ phiếu của ông Trầm Bê. Trong báo cáo của Sacombank, lợi nhuận giữ lại là 18.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, room 30% ngoại hiện nay tại Ngân hàng Sacombank đã được thoái hết. Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng có thể sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau đó tăng vốn điều lệ và kêu gọi cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.